Lợi nhuận dự kiến hồi phục
Các doanh nghiệp ngành thép đang phát đi tín hiệu tích cực hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Công ty Thép Nam Kim đánh giá, năm 2023, thị trường chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng, nhưng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua. Đây là thời điểm để củng cố lại mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính.
Trên cơ sở đó, Thép Nam Kim đặt kế hoạch năm 2023 với tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 106,91 tỷ đồng).
Sau khi lỗ 651,8 tỷ đồng trong năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC đang nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2023. Tuy doanh thu đặt ra là 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với năm 2022, song lợi nhuận sau thuế dự kiến có sự cải thiện đáng kể, đạt 150 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2022 - 2023 dựa trên 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, dự kiến doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, giảm 32%; lợi nhuận đạt 100 tỷ đồng, giảm 60% so với so với niên độ tài chính trước.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn, với sản lượng thành phẩm 1,5 triệu tấn, dự kiến doanh thu đạt 36.000 tỷ đồng, giảm 28%, song lợi nhuận dự kiến đạt 300 tỷ đồng, tăng 20% so với niên độ tài chính trước.
Tự tin với kế hoạch 2023
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ 2022 - 2023, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, tháng 2/2023, Tập đoàn bắt đầu có lãi khoảng 50 tỷ đồng và tháng 3/2023 dự kiến lãi 100 tỷ đồng. Hiện tại, hàng tồn kho của Hoa Sen đủ dùng đến tháng 5/2023. Năm 2022, Công ty mua vào khi giá thép thấp (510 USD/tấn) và tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Hiện tại, giá thép cán nóng của Formosa đã lên tới 680 USD/tấn, đơn hàng từ Trung Quốc khoảng 700 USD/tấn. Như vậy, Hoa Sen sẽ có lãi tốt trong những tháng tới để bù lỗ 4 tháng đầu niên độ tài chính 2022 - 2023.
Ông Vũ tự tin, chưa bao giờ, Tập đoàn Hoa Sen ở trong điều kiện tốt như bây giờ. Lợi nhuận sản phẩm tôn của Hoa Sen cao hơn đối thủ 10%, lợi nhuận xuất khẩu cao hơn 3 - 5% so với đối thủ...
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua, tuy nhiên, hoạt động của Hoà Phát nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung vẫn phụ thuộc vào nhu cầu trong nước và thế giới.
“Cầu thị trường hiện tại thấp quá. Không chỉ ngành thép, mà các ngành khác liên quan đến xây dựng cũng vậy”, ông Long nói thêm.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhìn nhận, đặt trong bối cảnh chung của ngành thép, kết quả kinh doanh năm 2022 của Hòa Phát (lãi 8.444 tỷ đồng) là “không quá tệ” so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với năm 2022. Ông Long kỳ vọng, thời gian tới, đầu tư công được đẩy mạnh, bất động sản phục hồi, từ đó giúp tiêu thụ thép tăng lên.
Có thể thấy, kế hoạch kinh doanh nhiều triển vọng được các doanh nghiệp đặt ra căn cứ trên diễn biến thị trường: giá thép chạm đáy vào cuối năm 2022 và đang hồi phục, với động lực là kỳ vọng từ việc Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ thép nhiều nhất thế giới - mở cửa trở lại và thị trường bước vào mùa cao điểm xây dựng đầu năm.
Với các doanh nghiệp thép trong nước, việc giá thép hồi phục đã giúp doanh nghiệp giải quyết được bài toán lớn: không phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho. Song, nhóm doanh nghiệp sản xuất và thương mại thép lại đang phải đối diện với rủi ro khi nhiều chủ đầu tư và công ty xây dựng gặp khó khăn trong thanh khoản ngắn hạn, dẫn tới chậm trả lãi/gốc trái phiếu, chậm trả tiền công nhân, nhân viên và không trả được tiền hàng cho nhà cung cấp, dẫn tới rủi ro trích lập công nợ khó đòi với doanh nghiệp thép.
Nguồn: Báo Đầu Tư