Nỗ lực thoát khỏi tình trạng “ruột ta vỏ người”
Khi nói đến Việt Nam, người tiêu dùng thế giới thường nhớ đến những sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Thế nhưng, giờ đây, câu chuyện của VinFast đã được nhiều tập đoàn lớn, truyền thông thế giới nhắc đến.
Cùng với việc sản xuất và vận chuyển xe đến các thị trường quốc tế, VinFast cũng đang liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu. Tới nay, VinFast đã mở hơn 30 cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, sẵn sàng cho việc kinh doanh các dòng xe điện thông minh xuất khẩu từ Việt Nam. Trước đó, dự án xây dựng nhà máy xe điện tại Bắc Carolina (Mỹ) của VinFast có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD trong giai đoạn I cũng được khởi công.
Cùng với đó, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Công ty GSM) của Vingroup cũng đưa xe điện vào dịch vụ Taxi Xanh SM tại Hà Nội và TP.HCM. GSM đặt kế hoạch sẽ có mặt ở ít nhất 5 tỉnh, thành phố trong năm 2023 với tổng cộng 20.000 taxi điện. GSM hướng đến mục tiêu góp phần thay đổi diện mạo giao thông công cộng và sẵn sàng đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sang xe điện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cuộc cách mạng xanh.
Trong khi đó, là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản, nhưng do chủ yếu xuất thô, nên rất ít sản phẩm của Việt Nam mang thương hiệu riêng ra thế giới.
Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp đang nỗ lực để gây dựng hình ảnh, tên tuổi của mình ở thị trường nước ngoài. Đó thương hiệu Dielac của là Vinamilk khi xuất khẩu sữa bột sang thị trường Trung Đông. Đó là Trung Nguyên Legend của Công ty CP Cà phê Trung Nguyên khi đưa vào Mỹ, Singapore sau nhiều nhọc nhằn, thậm chí những tranh chấp xoay quanh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tập đoàn Phúc Sinh cũng đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình.
Ra thế giới bằng thương hiệu của chính mình, không thể không nhắc tới gạo ST25 đã được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Một số doanh nghiệp trong nước cũng từng bước xây dựng thương hiệu riêng gắn với giống gạo nổi tiếng này. Chẳng hạn Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của mình vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới. Đầu năm 2023, QTOrganic cũng đã xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị (lô đầu tiên) sang thị trường châu Âu.
Trong lĩnh vực xây dựng, còn nhớ, nhà thầu Coteccons đã vượt qua 2 đối thủ ngoại là Lotte và SsangYong để trúng thầu dự án tòa nhà cao thứ 8 thế giới The Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Dĩ nhiên, để trúng thầu dự án này, Coteccons đã liên kết với Tập đoàn Obayashi - một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất của Nhật Bản. Hiện nhà thầu nội này, đang mang trong mình nhiều tham vọng để đạt mục tiêu doanh thu vài tỷ USD, giá trị vốn hóa hàng tỷ USD… để cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại đình đám.
Niềm tin và cạnh tranh công bằng
Gần đây, tạo động lực cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh mang tầm quốc tế đã trở nên một trong những chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến khu vực tại Công ty cổ phần VNG khẳng định, doanh nghiệp trong nước thực sự không ngại cạnh tranh, nhưng cần cạnh tranh công bằng. VNG cũng đặt mục tiêu 5 năm tới, doanh thu ngành game tăng 1 tỷ USD so với mức 600 triệu USD hiện tại. Ngoài ra, cần tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp game, từ 30 lên 100, thậm chí là 150 doanh nghiệp. Thu hút được 400 start-up sản xuất tham gia cộng đồng, đóng góp chung cho sự phát triển ngành và VNG có đủ tiềm lực, kỹ năng để cạnh tranh sòng phẳng trong cuộc chơi này.
“Cái khó của chúng ta là sự bất bình đẳng. Một doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam không chịu sự quản lý, kiểm duyệt về mặt nội dung, không đóng thuế, không làm bất cứ nghĩa vụ nào với Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện đầy đủ. Đây là sự bất bình đẳng”, ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, điều quan trọng hơn, theo ông Thắng là cần tập hợp để các doanh nghiệp gặp nhau, tạo thành một bức tranh chung, tạo nên những điều lớn lao hơn cho ngành game.
Đặc biệt, áp lực từ các tổng công ty nhà nước quá lớn, cũng đồng nghĩa là cơ hội cho khu vực tư nhân bị thu hẹp.
Quan tâm đến khả năng phát triển của thị trường vốn là điều vô cùng quan trọng. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tự có. Khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán chỉ trở nên sôi động từ 2 năm qua, mà sự sôi động ấy lại ẩn chứa những điều kiện thiếu bền vững.
Tóm lại, phải làm thế nào để môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội trở thành những doanh nghiệp lớn. Đó là những yếu tố rất quan trọng, tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam trưởng thành và cạnh vươn tầm thế giới.
Nguồn: Báo Đầu Tư