Thứ ba, 13/05/2025 | 01:19
Đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư 4 cụm công nghiệp mới
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 cụm công nghiệp gồm: Long Trung, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2 và Mỹ Phước 3. Đây là các cụm công nghiệp trọng điểm, kỳ vọng sẽ tạo ra quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh Tiền Giang tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt xấp xỉ 2 tỷ USD trong 4 tháng năm 2025.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 7 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 4 cụm công nghiệp gồm Tân Mỹ Chánh, Gia Thuận 1, An Thạnh và Trung An đã thu hút được 68 dự án đầu tư. Đáng chú ý, có 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 200 triệu USD và 998 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê tại các cụm công nghiệp này đã đạt gần 59%, cho thấy nhu cầu đầu tư cao và dư địa lớn để mở rộng phát triển hạ tầng công nghiệp.
Trao lời phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là định hướng chiến lược nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giải quyết việc làm tại địa phương. Tỉnh đặc biệt chú trọng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Theo đó, Sở Công Thương đang tập trung theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai tại các khu, cụm công nghiệp. Đối với các dự án đang xin chủ trương đầu tư, Sở hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ pháp lý, quy hoạch và thủ tục môi trường để sớm kêu gọi vốn. Với các dự án đã được phê duyệt, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đang được đẩy nhanh tiến độ. Riêng các cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng, tỉnh tiếp tục làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, đảm bảo không để xảy ra tình trạng chờ đợi kéo dài.
Đáng chú ý, ngoài việc đề xuất đầu tư 4 cụm công nghiệp mới, Sở Công Thương Tiền Giang đang xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây. Đồng thời, phối hợp thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và đẩy nhanh thủ tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Gia Thuận 2, Thạnh Tân.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang phối hợp triển khai thủ tục mời gọi đầu tư khu đất 54,97ha, quỹ đất được đánh giá có vị trí chiến lược để hình thành cụm công nghiệp mới trong giai đoạn tới.
Với sự chủ động từ cơ quan chuyên môn cùng định hướng chỉ đạo kịp thời từ UBND tỉnh, Tiền Giang kỳ vọng đón thêm "làn sóng" đầu tư mới vào lĩnh vực công nghiệp, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Sản xuất công nghiệp giữ vững đà tăng trưởng Trong tháng 4 năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Tiền Giang tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế đến hết tháng 4, chỉ số IIP tăng 11%, phản ánh xu hướng phục hồi ổn định và hiệu quả trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ lực nhờ phát huy thế mạnh truyền thống và cải thiện đơn hàng xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng thủy sản đông lạnh đạt khoảng 12.000 tấn, tăng hơn 39% nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn. Ngành sản xuất da giày đạt khoảng 2,5 triệu sản phẩm, tăng hơn 11%. Đặc biệt, sản xuất túi xách tăng gần 65% với khoảng 900.000 sản phẩm, cho thấy nhu cầu phục hồi mạnh từ thị trường châu Âu và Nhật Bản. |
Hãng xe điện lớn nhất Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đầu tư cực lớn cho "cơ đồ" tại Indonesia.
12/05/2025