Thứ hai, 12/05/2025 | 21:15
IIP tăng 15,16%
Theo đánh giá của Chi cục Thống kê Hải Phòng, hoạt động sản xuất công nghiệp tại thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tính riêng tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố ước tính giảm 0,81% so với tháng trước và tăng 15,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP ước tăng 15,16% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2022 đến nay.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 9,92%, tác động làm giảm 0,02 điểm %; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,21%, đóng góp 15,61 điểm %; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 6,57%, làm giảm 0,47 điểm %; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,78%, đóng góp 0,04 điểm % vào mức tăng chung.
IIP 4 tháng đầu các năm từ 2022 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng).
Thu hút hơn 500 triệu vốn FDI
Tính từ đầu năm đến ngày 26/4, Hải Phòng đã thu hút 516,98 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, thành phố đã cấp mới đăng ký cho 46 dự án với số vốn cấp mới đạt 365,78 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 29 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm đạt 149,12 triệu USD; 4 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,08 triệu USD.
Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 5 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động. Đây đều là những dự án nằm ngoài khu công nghiệp.
Lũy kế đến ngày 26/4, Hải Phòng có 1.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 38 tỷ USD.
Tổng vốn FDI thu hút trong 4 tháng đầu các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê Hải Phòng; Cục Đầu tư nước ngoài).
Xuất siêu 1,22 tỷ USD
Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải Phòng trong 4 tháng ước đạt 18,76 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu 1,22 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 9,99 tỷ USD, xếp thứ 6 cả nước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,77 tỷ USD, xếp thứ 5 cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,46%
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch liên tục diễn ra để chuẩn bị khởi động mùa du lịch biển, cùng với đó là nhu cầu về du lịch của người dân tăng cao đã tác động tích cực đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại Hải Phòng.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 của thành phố ước đạt 20.961,4 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 14,94% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 82.321,5 tỷ đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, cộng dồn 4 tháng, doanh thu bán lẻ ước đạt 69.256,4 tỷ đồng, tăng 14,79%; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 808,9 tỷ đồng, tăng 16,54%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 8.457,6 tỷ đồng, tăng 15,41%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ ước đạt 61,6 tỷ đồng tăng 7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.7367 tỷ đồng, tăng 6,56%.
Hơn 330.000 lượt khách quốc tế
Theo báo cáo, lũy kế 4 tháng đầy năm, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ đạt 2,56 triệu lượt, tăng 11,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 331.800 lượt, tăng 1,79% so với cùng kỳ.
CPI bình quân tăng 2,87%
Theo Chi cục Thống kê Hải Phòng, giá dịch vụ nhà ở thuê tăng và giá thịt heo tăng là những nguyên nhân chủ yếu đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI Hải Phòng tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao như: nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,33%, nhóm giáo dục tăng 4,34%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,45%. Ngược lại, một số nhóm có chỉ số giá giảm như: nhóm giao thông giảm 3,3%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,43%.
Thu ngân sách tăng gần 40%
Sau 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 57.925 tỷ đồng, bằng 49,06% dự toán HĐND và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 32.848,1 tỷ đồng, bằng 64,41% dự toán HĐND và tăng 44,33% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 24.483,8 tỷ đồng, bằng 39,05% dự toán HĐND và tăng 32,64% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương trong 4 tháng đạt 10.887 tỷ đồng, bằng 23,47% dự toán HĐND và tăng 43,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển đạt 4.830,1 tỷ đồng, bằng 18,99% dự toán HĐND và tăng 56,47% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 5.878,8 tỷ đồng, đạt 30,21% dự toán HĐND và tăng 34,16% so với cùng kỳ.
Tổng dư nợ tín dụng gần 270.000 tỷ đồng
Về hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 30/4, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 371.184 tỷ đồng, tăng 3,8% so với thời điểm 31/12/2024.
Ở chiều ngược tại, tổng dư nợ cho vay tính đến hết tháng 4 ước đạt 268.391 tỷ đồng, tăng 4,05% so với thời điểm 31/12/2024.
Nguồn: TC Doanh nhân Việt Nam
Hãng xe điện lớn nhất Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đầu tư cực lớn cho "cơ đồ" tại Indonesia.
12/05/2025