Thứ hai, 19/05/2025 | 03:08
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh USTH)
Kiến tạo vị thế khoa học Việt Nam
Một trong những thành tựu tiêu biểu mang tầm quốc gia và khu vực là việc Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 vào ngày 7/5/2013. Đây là vệ tinh quan sát đầu tiên do Việt Nam tự vận hành và điều khiển, đánh dấu bước ngoặt trong làm chủ công nghệ không gian. VNREDSat-1 đã đưa Việt Nam vào nhóm 25 quốc gia sở hữu vệ tinh quan sát Trái đất, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghệ vũ trụ trong nước. Dù thiết kế chỉ hoạt động 5 năm, đến nay vệ tinh vẫn vận hành hiệu quả, cung cấp hơn 155.000 ảnh viễn thám phục vụ quốc phòng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường.
Tiếp nối thành công ấy, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiếp tục nghiên cứu và đưa vào quỹ đạo các vệ tinh cỡ nhỏ như PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon, đều do người Việt trực tiếp thiết kế, chế tạo. Mỗi vệ tinh là một bước trưởng thành, cho thấy khả năng tiến xa hơn nữa của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao đầy thử thách.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng triển khai Đề án 150 về giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin. Trung tâm Giám định ADN (Viện Sinh học) đã phân tích, định danh hàng nghìn mẫu, hiện lưu trữ hơn 6.000 mẫu phục vụ phân tích lâu dài, góp phần hàn gắn nỗi đau chiến tranh.
Viện luôn xác định nghiên cứu cơ bản là nền tảng cốt lõi để vươn tới những đột phá trong khoa học, công nghệ. Viện là nơi quy tụ đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất và biển… Đây là những trụ cột để duy trì và nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia, đồng thời đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận. Hai trung tâm quốc tế về toán học và vật lý do UNESCO bảo trợ hiện đang hoạt động hiệu quả, tạo diễn đàn trao đổi học thuật quốc tế, góp phần đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Dấu ấn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong những năm gần đây chính là tư duy đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, lan tỏa trong toàn hệ thống nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
Đổi mới sáng tạo không chỉ là khẩu hiệu, mà thể hiện rõ qua khả năng chuyển hóa tri thức khoa học thành sản phẩm cụ thể, hữu ích. Viện đã bàn giao hơn 1.200 kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ mất thông tin, một đóng góp nhân văn có ý nghĩa lịch sử.
Việc công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19, cùng với các bộ công trình khoa học đồ sộ như Atlas Quốc gia Việt Nam, Bộ Sách đỏ, Động vật chí, Thực vật chí. Hồ sơ dữ liệu về Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam góp phần quan trọng vào việc xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chương trình Tây Nguyên I, III, Chương trình điều tra tổng hợp biển và thềm lục địa Việt Nam… là các công trình không chỉ mang giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa lớn trong quy hoạch, bảo tồn tài nguyên và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn tham vấn cho Đảng và Nhà nước cơ sở khoa học để giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết như: Sự cố môi trường do Formosa gây ra tại vùng biển Hà Tĩnh, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông hoặc các vấn đề liên quan thềm lục địa Việt Nam, động đất khu vực Thủy điện Sông Tranh 2,… Viện chủ động báo cáo tư vấn Thủ tướng Chính phủ về xu hướng vận động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề xuất các giải pháp tận dụng cơ hội công nghệ số. Đây là minh chứng tiêu biểu cho việc Viện không chỉ nghiên cứu, mà còn chủ động “hiến kế” chính sách từ góc nhìn khoa học.
Nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh USTH)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Viện Hàn lâm đặc biệt coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế, coi đó như một kênh quan trọng để học hỏi và đồng sáng tạo. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực được Viện Hàn lâm tăng cường hợp tác với các viện hàn lâm, tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia và đại học hàng đầu thế giới của: Nga, Pháp, Belarus, Nhật Bản, Hàn Quốc…Các hoạt động hợp tác toàn diện từ trao đổi đoàn chuyên gia, phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, khảo sát biển bằng các tàu nghiên cứu hiện đại đến xây dựng phòng thí nghiệm hỗn hợp. Nhờ các hoạt động này, Viện hình thành nhiều hướng nghiên cứu tiên tiến, tiếp cận được công nghệ mới và đào tạo được hàng trăm tiến sĩ có tư duy hội nhập.
Từ đó Viện nâng cao năng lực công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín, hội nhập sâu vào mạng lưới khoa học toàn cầu. Hiện nay, Viện có gần 3.500 cán bộ nghiên cứu, trong đó có khoảng 305 giáo sư và gần 1.000 tiến sĩ.
Trong 5 năm gần đây, Viện công bố hơn 11.360 công trình khoa học, với hơn 72% là công bố quốc tế. Năm 2023, Viện đạt kỷ lục 2.211 bài báo khoa học, trong đó có hơn 1.700 bài công bố quốc tế. Trong 5 năm qua, Viện được cấp gần 300 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có 6/12 tạp chí vào danh mục quốc tế và xuất bản khoảng 300 đầu sách chuyên khảo. Viện trong hai năm liên tiếp được Tổ chức Clarivate vinh danh “Dẫn đầu về đổi mới sáng tạo” tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cho thấy nội lực khoa học đang tăng trưởng thực chất nhờ tư duy đổi mới toàn diện.
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoạt động khoa học và công nghệ vẫn đang đối mặt không ít lực cản mang tính hệ thống. Những bất cập trong cơ chế phối hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng, hạn chế về chính sách thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao, và sự thiếu đồng bộ của quy định pháp luật về thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang làm chậm quá trình chuyển hóa tri thức thành giá trị thực tiễn. Các rào cản thể chế nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ tiếp tục kìm hãm nội lực phát triển khoa học, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
Định hình tầm nhìn mới
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành trung tâm khoa học hàng đầu khu vực, với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến châu Á và quốc tế, đồng thời gắn với thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Viện xác định phát triển các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn như: Công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây; công nghệ an ninh mạng thông minh…
Viện tập trung phát triển mạnh trí tuệ nhân tạo và học máy ứng dụng trong các ngành công nghiệp, công nghệ blockchain và ứng dụng trong quản lý dữ liệu và bảo mật, mạng 5G và internet vạn vật (loI) trong thành phố thông minh, robot tự động.
Một số lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn về công nghệ sinh học, y sinh, hóa học cũng sẽ được Viện tiếp tục đi sâu nghiên cứu những công nghệ mới để tăng khả năng xác định chính xác ADN trong việc định danh hài cốt liệt sĩ; sản xuất thành công vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm do biến chủng mới gây ra; phát triển nghiên cứu tế bào gốc, tế bào miễn dịch để chữa các bệnh hiểm nghèo…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về tăng cường năng lực Viện ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tập thể lãnh đạo Viện chú trọng các nhóm nhiệm vụ về đổi mới, hoàn thiện cơ chế; nhóm nhiệm vụ phát huy, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển các định hướng nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, Viện tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư phát triển các trung tâm ứng dụng và triển khai công nghệ hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, nhất là lĩnh vực công nghệ-thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành, nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số…
Nguồn nhân lực khoa học trình độ cao là yếu tố then chốt quyết định thành công trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đảng ủy và lãnh đạo Viện đã triển khai, thực hiện rất nhiều chính sách đãi ngộ, đề xuất nhiều cơ chế đột phá như tuyển dụng, bổ nhiệm đặc cách, kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ giỏi và ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài. Viện xác định, đào tạo nhân lực không chỉ phục vụ nhu cầu của Viện, mà còn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng lực lượng khoa học chất lượng cao cho đất nước.
Nguồn: Báo Nhân dân
Với những thành tựu đạt được trong làm chủ công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến trên thế giới về lĩnh vực vật liệu mới, công nghệ gien, khoa học trái đất…, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu nền tảng, phát triển công nghệ chiến lược và ứng dụng phục vụ phát triển đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, Viện cần tiếp tục phát huy nội lực, đề ra những hướng đi mới, giải pháp đột phá để phát triển toàn diện.
18/05/2025