Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ ba, 13/05/2025 | 02:01

Khoáng sản – Luyện kim

Quy hoạch khoáng sản chồng chéo, Bộ Công Thương xin Thủ tướng điều chỉnh

11/05/2025
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự rút gọn sau khi 46/63 tỉnh, thành phố đồng loạt phản ánh.
Quy hoạch khoáng sản "trói chân" nhiều dự án quan trọng ở nhiều tỉnh, thành - Ảnh: M.V.
Ngày 11-5, Bộ Công Thương cho biết đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (quyết định 866, thường gọi quy hoạch 866).
Đầu tư công đình trệ, người dân gặp khó
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh nhằm giải quyết các vướng mắc trong triển khai quy hoạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng quốc gia. 
Quy hoạch 866 được ban hành vào tháng 7-2023, khi triển khai cụ thể, nhiều tỉnh, thành phát hiện chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch cấp cao hơn như quy hoạch sử dụng đất, lâm nghiệp, mạng lưới giao thông quốc gia...
Tại Lâm Đồng, hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, vốn được kỳ vọng thúc đẩy vùng kinh tế Tây Nguyên, hiện không thể triển khai vì vướng vùng quy hoạch bôxít. Gần 70.200ha đất trên toàn tỉnh nằm trong quy hoạch khoáng sản, khiến hàng loạt công trình như khu tái định cư, nhà máy cấp nước, hạ tầng giao thông bị đình trệ.
Riêng huyện Bảo Lâm, hơn 51.000ha đất, chiếm hơn nửa diện tích toàn huyện bị đưa vào vùng khoáng sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng vạn hộ dân. Người dân không thể xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay thế chấp ngân hàng. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại TP Bảo Lộc và nhiều địa phương khác.
Tại Đắk Nông, dự án cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành cũng bị chậm triển khai vì chưa có điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp. Trong khi đó, tại Ninh Thuận, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân cũng bị ách tắc do chưa giải quyết xong các vướng mắc liên quan đến vùng khoáng sản quy hoạch.
Trả lại quyền điều chỉnh sử dụng đất cho địa phương
Nguyên nhân chính, theo Bộ Công Thương, là sự mâu thuẫn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch cấp quốc gia như sử dụng đất, lâm nghiệp, năng lượng... Do tổng chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội và Chính phủ phân bổ cụ thể, nên khi quy hoạch khoáng sản "lấn" sang các loại đất khác, địa phương không thể triển khai dự án theo đúng pháp luật.
Ngoài ra các văn bản pháp lý mới như (Luật số 57/2024 và Luật Địa chất và Khoáng sản 54/2024) cũng đã thay đổi nội hàm của quy hoạch khoáng sản. Theo đó khoáng sản than sẽ được chuyển từ quy hoạch năng lượng sang quy hoạch khoáng sản nhóm I; nước khoáng thiên nhiên, nước nóng sẽ được loại khỏi quy hoạch khoáng sản nhóm I và bàn giao cho địa phương quản lý.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn. Bộ Công Thương nêu nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch: Không làm thay đổi định hướng lớn đã được phê duyệt. Không can thiệp sâu vào nội dung dự án cụ thể, chỉ định hướng khu vực khoáng sản chung. 
Loại bỏ các khu vực không chứa thân quặng ra khỏi quy hoạch, trả lại quyền điều chỉnh sử dụng đất cho địa phương. Cập nhật các thay đổi về phân loại khoáng sản và căn cứ pháp lý theo luật mới. Tăng tính linh hoạt cho các địa phương, bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp cao và cùng cấp. Thời gian thực hiện điều chỉnh dự kiến trong quý 2-2025.
Điều chỉnh để khởi thông hàng trăm dự án bị ách tắc
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tỉnh chủ động rà soát, cập nhật ranh giới các vùng không có quặng, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để trình phương án loại khỏi quy hoạch hiện hành. Việc này giúp rút ngắn thời gian xử lý hành chính và trả lại không gian phát triển hợp pháp cho địa phương.
Bộ Công Thương khẳng định việc điều chỉnh lần này là giải pháp bắt buộc để khơi thông hàng trăm dự án bị ách tắc, đồng thời bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ