Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ ba, 06/05/2025 | 02:18

KHCN – Hợp tác quốc tế

Phú Yên: Tạo xung lực mới về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

05/05/2025
Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo, đến nay, Phú Yên đã ưu tiên nhiều nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Bước đầu đã có 6/8 chỉ tiêu đạt và vượt; 2 chỉ tiêu sẽ hoàn thành vào cuối năm nay…

Viên chức Trung tâm KH&CN Phú Yên giới thiệu với du khách về các sản phẩm KH-CN do trung tâm nghiên cứu và sản xuất. Ảnh: CTV

Với phương châm lấy “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST)”, những năm qua, việc ứng dụng KH-CN và ĐMST trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo thống kê của Sở KH&CN, tính đến nay, thực hiện Nghị quyết 11, đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động KH-CN đã có nhiều nỗ lực, đạt 0,78% tổng chi ngân sách; tiềm lực KH-CN có bước phát triển, đóng góp của KH-CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt hơn 43%. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đưa tiến bộ KH-CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống được đẩy mạnh; công tác quản lý nhà nước về KH-CN được chặt chẽ; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tập trung, bám sát vào lĩnh vực có thế mạnh, ưu thế của tỉnh, hơn 90% nhiệm vụ nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Thị trường KH-CN có bước hình thành, số doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển và chuyển giao KH-CN ngày càng tăng; xã hội hóa hoạt động KH-CN có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tài sản trí tuệ được chú trọng phát triển với hơn 473 đơn đăng ký nhãn hiệu giai đoạn 2021-2024 được chấp nhận, tăng hơn 50% so với cùng kỳ; hợp tác KH-CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng và thế mạnh của địa phương có nhiều tiến bộ, một số sản phẩm đã khẳng định chất lượng và có lợi thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sở KH&CN đã triển khai 45 nhiệm vụ KH-CN, trong đó có 13 nhiệm vụ cấp quốc gia, 24 nhiệm vụ cấp tỉnh và 8 nhiệm vụ cấp cơ sở do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trong đó có 25 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn. Điển hình như: Công nhận bảo hộ và lưu hành 3 giống lúa mới PY8, PY10 và PR31; chọn tạo 3 giống sắn KM568, KM539 và KM537 đạt yêu cầu; 2 giống bắp sinh khối có năng suất vượt trội hơn 70 tấn/ha; 4 giống sen lấy hoa và lấy hạt) đạt yêu cầu về hoa và hạt; 2 giống thủy sản có giá trị kinh tế; nghiên cứu bảo tồn 4 nguồn gen đặc hữu của tỉnh; thử nghiệm sản xuất 3 chế phẩm sinh học... Song song đó đã xây dựng bổ sung cơ sở dữ liệu về khí hậu thủy văn, hồ đập, dữ liệu ngập lụt; xây dựng công cụ hỗ trợ công tác phòng chống ngập lụt; nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành xả lũ liên hồ để giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du; xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro do thiên tai gây ra; điều tra, đánh giá tài nguyên sinh vật ở vịnh Xuân Đài, thủy vực nội địa.

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành KH-CN, Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp nhận và ứng dụng công nghệ nuôi tôm hùm trong bể trên bờ theo quy trình tuần hoàn; nuôi cá chim trong lồng HDPE theo công nghệ Na Uy thích ứng với thiên tai; mô hình ứng dụng hệ thống quan trắc tự động và cảnh báo môi trường nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông; nuôi cua lột trong hệ thống tuần hoàn; nhân rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, cá chình bông; tiếp nhận kỹ thuật nuôi cấy mô rong sụn, cá mú Trân Châu... đã góp phần gia tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 11 về phát triển KH-CN và ĐMST, Phú Yên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực chuyên trách về lĩnh vực này ở địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế, chính sách để thử nghiệm, hỗ trợ, nhân rộng các sáng kiến ĐMST còn hạn chế, chưa có đột phá về công nghệ sinh học, công nghệ số và tự động hóa. Công tác đào tạo và thu hút các nhà khoa học giỏi, tài năng, chuyên gia đầu ngành chưa đạt như yêu cầu đề ra...

Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, nguyên nhân chính là do nguồn lực đầu tư cho KH-CN còn thấp. Nhất là chính sách và giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội vào phát triển KH-CN và ĐMST chưa thật sự hấp dẫn. Một số chính sách đã ban hành nhưng chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển KH-CN. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp chưa khẳng định vai trò là trung tâm phát triển KH-CN và ĐMST. “Thời gian đến, ngành KH-CN tiếp tục tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý nhiệm vụ KH-CN, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tháo gỡ các rào cản, vướng mắc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KH-CN; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh”, bà Hạnh nói.

Theo TS Nguyễn Minh Tiến, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, để KH-CN và ĐMST là nền tảng, là động lực phát triển KT-XH, thời gian đến, Phú Yên cần đầu tư nâng cao tiềm lực cho lĩnh vực này, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia trong và ngoài tỉnh tham gia giải quyết các vấn đề KH-CN và ĐMST cấp bách, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ngành KH-CN tăng cường hợp tác, tích cực phối hợp, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước, quốc tế và một số tỉnh, thành để chuyển giao công nghệ, học tập kinh nghiệm, quản lý các nhiệm vụ KH-CN; đồng thời đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, nhằm đưa phát triển KH-CN và ĐMST từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Phú Yên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 về KH-CN và ĐMST

- KH-CN và ĐMST đóng góp tăng trưởng kinh tế GRDP thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) hơn 45%.

- Nhiệm vụ KH-CN ứng dụng thực tiễn sản xuất và đời sống hơn 95%.

- Ngân sách nhà nước đầu tư phát triển KH-CN phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước.

- Phát triển không gian đổi mới sáng tạo, cung - cầu công nghệ khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng để hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị; nâng cao chỉ số ĐMST địa phương.

- Hỗ trợ phát triển hơn 20 dự án khởi nghiệp ĐMST, hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ xây dựng mới hơn 5 doanh nghiệp KH-CN.

- Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ hơn 30 sản phẩm hàng hóa chủ lực; số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng hơn 50% so với giai đoạn 2020-2025.

- Tỉ lệ nhân lực KH-CN phấn đấu đạt 6-8 người/vạn dân; phát triển các nhóm nghiên cứu KH-CN trên các lĩnh vực lợi thế của địa phương.

Nguồn: Phú Yên Onine

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh tập trung cao độ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Ngày 5/5, tại chuyến thăm, khảo sát thực tế một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đang đóng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết: Tỉnh đang tập trung cao hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước thuộc lĩnh vực công nghệ theo chủ trương của Trung ương, tiến tới thành lập và ra mắt các Hiệp hội theo các nhóm ngành nghề với quy chế hoạt động cụ thể.

05/05/2025