Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ tư, 16/07/2025 | 22:21

Tin hoạt động

Ngành Công Thương nỗ lực vượt khó, thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế

15/07/2025
Trong giai đoạn 2020-2025, toàn ngành Công Thương đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu và thị trường trong nước, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ I (2025-2030), kế thừa thành quả, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của những giai đoạn trước và từ đầu nhiệm kỳ, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Lãnh đạo Bộ; ngay sau khi được thành lập tháng 2/2025, bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố đội ngũ, sắp xếp tinh gọn bộ máy theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực quản lý của ngành, Đảng ủy Bộ đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ chính trị, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ, đứng đầu là đồng chí Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy đã bám sát thực tế, nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Bộ Công Thương, toàn ngành đã triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu và thị trường trong nước, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn ngành Công Thương triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển công nghiệp, năng lượng, xuất khẩu và thị trường trong nước, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ngành Công Thương như sau:

Ngành Công Thương nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi nền kinh tế với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hằng năm theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm và Kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Trong giai đoạn này, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, Chiến lược phát triển ngành năng lượng, Chiến lược phát triển thương mại trong nước và chiến lược phát triển các ngành (dệt may, da giày, hóa chất, than…), 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản (gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Bộ để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Giai đoạn 2020 - 2025, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu, nhưng với sự lãnh đạo quyết liệt của hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế từng bước phục hồi, các chỉ tiêu của ngành Công Thương cơ bản được giữ vững, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể:

Công nghiệp luôn chiếm trên 30% trong cơ cấu GDP; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của ngành (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80%), từng bước khẳng định là một trong những trung tâm sản xuất của châu Á, được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đưa vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp thu nhập trung bình.

Chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đạt kết quả tích cực với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của lưới điện quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới vào năm 2024 về mức độ phát triển hạ tầng ngành điện

Ngành điện cơ bản đáp ứng mục tiêu bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội; chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đạt kết quả tích cực với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của lưới điện quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới vào năm 2024 về mức độ phát triển hạ tầng ngành điện. Ngành dầu khí phát triển ngày càng đồng bộ từ hạ nguồn đến thượng nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; sản lượng khí (bao gồm khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu) đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác.

Xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP khoảng 90% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới (2023); kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 800 tỷ USD vào năm 2025, thặng dư thương mại được duy trì liên tục ở mức cao (đạt mức 24,66 tỷ USD vào năm 2024), tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.

Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất, đặc biệt là khi có các biến động lớn từ thị trường bên ngoài, thuộc nhóm các quốc gia có thị trường nội địa lớn và tăng trưởng nhanh, được củng cố bởi thị trường hơn 100 triệu dân và sự gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử.

Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (ước tăng khoảng 8,1%/năm). Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam; xếp hạng top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam

Đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực một cách hợp lý, hiệu quả

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực một cách hợp lý, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực tự chủ về sản xuất và thị trường, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế; các ngành, lĩnh vực và các địa phương cũng đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tái cơ cấu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn do bối cảnh bên ngoài nhưng quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương vẫn đạt được những kết quả tích cực, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ và tạo thêm dư địa để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân tăng khoảng 6,3%/năm. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 7,1%/năm, tiếp tục duy trì là động lực tăng trưởng cơ bản của công nghiệp (tỷ trọng tăng từ 77,2% năm 2021 lên khoảng 80% năm 2025) và đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 85%). Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp cao hơn tăng trưởng GDP; Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến khá tích cực với sự giảm dần của ngành khai khoáng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo.

Quá trình tái cơ cấu ngành điện theo hướng phát triển thị trường điện cạnh tranh được triển khai tích cực ở các cấp độ. Thị trường bán buôn điện có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất; chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 3 khu vực ASEAN (năm 2024); chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng đạt kết quả tích cực với sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo (năm 2024, tỷ trọng công suất các nguồn năng lượng tái tạo chiếm 26,8% tổng công suất và 13,4% về sản lượng các nguồn cung sơ cấp trong hệ thống điện toàn quốc), không chỉ cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất công nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành theo hướng công nghiệp xanh.

Cơ xấu xuất nhập khẩu ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế (xuất khẩu xấp xỉ 50% hàng hóa công nghệ cao và nhập khẩu hơn 90% tư liệu sản xuất)

Cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế (xuất khẩu xấp xỉ 50% hàng hóa công nghệ cao và nhập khẩu hơn 90% tư liệu sản xuất). Cơ cấu thị trường và mặt hàng xuất nhập khẩu chuyển dịch tích cực với việc giảm xuất nhập khẩu từ các thị trường châu Á và tăng tỷ trọng giao thương với thị trường châu Mỹ, châu Âu gắn với trọng tâm ưu tiên xuất khẩu hàng công nghệ cao, công nghệ xanh và nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 80,3% năm 2016 lên khoảng 85% năm 2025, tỷ trọng hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 2% năm 2016 xuống dưới 1% năm 2025. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết, thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng khá cao (xấp xỉ 10%/năm), cho thấy năng lực sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện.

Thị trường trong nước ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, văn minh, từ hạ tầng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) sang hạ tầng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, logistics, thương mại điện tử), đáp ứng sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trẻ và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Hệ thống thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) tăng nhanh về số lượng, đóng góp xấp xỉ 30% tổng mức bán lẻ. Các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... từng bước được hoàn thiện và áp dụng, đặc biệt hệ thống thương mại hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giai đoạn 2021-2025, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra gần 290 ngàn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 nghìn vụ, góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thực hiện nghiêm túc; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường được kiểm tra, xử lý kịp thời, hiệu quả. Trong giai đoạn 2021 - 2025, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với gần 290 ngàn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 nghìn vụ, góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu được triển khai quyết liệt, góp phần lành mạnh hóa thị trường, cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Nguồn: Báo Công Thương