Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ năm, 22/05/2025 | 21:45

Tin hoạt động

Thúc đẩy bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ

22/05/2025
Sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Triển khai nghị quyết này không thể không chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo” tại Trường Đại học Thủy lợi nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4) năm 2025.

Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển

Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột, đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong cả 3 trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt.

Trong kỷ nguyên công nghệ số và Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro vi phạm bản quyền, sao chép trái phép.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính, một trong những điểm Việt Nam còn yếu là vấn đề về tôn trọng sở hữu trí tuệ. “Việt Nam thực thi bản quyền chưa tốt. Một khi các phát minh, sáng chế mà bị sao chép dễ và đơn giản thì không ai muốn phát minh, sáng chế cả. Đây là điểm mấu chốt”, ông Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh.

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng. Một số sản phẩm đặc sản trên địa bàn, tuy đã được xây dựng thương hiệu nhưng việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, sở hữu trí tuệ Việt Nam còn yếu so với yêu cầu phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo. Nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế. Hiện còn nhiều doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ vai trò của sở hữu trí tuệ trong bảo vệ sáng tạo và thúc đẩy cạnh tranh. Tâm lý xem nhẹ vi phạm sở hữu trí tuệ, dùng hàng giả, hàng nhái vẫn phổ biến trong xã hội.

Năng lực khai thác tài sản trí tuệ còn hạn chế. Doanh nghiệp ít khai thác giá trị thương mại của tài sản trí tuệ (nhượng quyền, cấp phép, góp vốn bằng tài sản trí tuệ). Rất ít sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký ra nước ngoài. Việt Nam có số lượng văn bằng lớn, nhưng tỷ lệ thương mại hóa rất thấp (trung bình thế giới 5%, các nước phát triển tới 10%, Việt Nam chỉ khoảng 0,1%). Sở hữu trí tuệ vẫn được xem là công cụ bảo vệ hình thức, chưa là tài sản chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, hệ thống thông tin, tra cứu, định giá tài sản trí tuệ còn manh mún; thiếu tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về tư vấn, bảo vệ, định giá, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đặc biệt, về đào tạo nguồn nhân lực, có ít trường đại học đào tạo chuyên ngành sở hữu trí tuệ. Chuyên gia thẩm định sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy khoa học công nghệ của đất nước phát triển.

“Sở hữu trí tuệ phải biến kết quả nghiên cứu thành tài sản để có thể giao dịch, khi đó mới có thị trường khoa học công nghệ/đổi mới sáng tạo. Chuyển dịch quan trọng nhất của sở hữu trí tuệ là chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu. Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì sở hữu trí tuệ phải trở thành trụ cột chiến lược, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng tài sản quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của địa phương cũng như của doanh nghiệp với mục đích nâng cao vai trò đóng góp của sở hữu trí tuệ nói riêng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng Thủ đô trở thành “Thành phố Sáng tạo”, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào AI, Blockchain, chuyển đổi số và công nghệ xanh.

Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường giáo dục về sở hữu trí tuệ trong trường học, qua truyền thông đại chúng, để người dân hiểu rõ giá trị của tài sản trí tuệ. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tận dụng chính sách pháp luật mới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các cơ chế hỗ trợ mới theo Luật Thủ đô để thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố đến năm 2030 một cách thiết thực nhất.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Lưu Hoàng Long cũng cho biết, Cục đang tích cực phối hợp cùng các chuyên gia, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ, cũng như bảo đảm tính thực thi hiệu quả các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ, hỗ trợ bảo hộ thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Nguồn: Hà Nội mới