Đi vào sản xuất từ năm 2020, với công suất tối đa khoảng 600 tấn/ngày, nhưng mỗi ca làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, thuộc Tổng công ty Viglacera – CTCP, Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, chỉ có khoảng vài chục công nhân. Đa số các công đoạn sản xuất tại nhà máy, từ xử lý nguyên liệu đến bốc, xếp dỡ thành phẩm đều được thực hiện 100% bằng hệ thống máy móc tự động, robot thực hiện.
Ông Nguyễn Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ cho biết: Ngay khi lựa chọn dây chuyền sản xuất, phía doanh nghiệp đã lựa chọn dây chuyền hiện đại nhất, xuất xứ từ châu Âu, hệ thống đồng bộ và tự động hóa từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm. Việc bốc, xếp, dỡ kính đều hoàn toàn do robot tự động. Tính tự động hóa cao và giảm thiểu nặng nhọc cho công nhân. Việc ứng dụng tự động hóa cao cũng giúp doanh nghiệp hướng đến xây dựng quy trình sản xuất xanh và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Robot di dời các tấm kính lên kệ tại dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (Tổng công ty Viglacera – CTCP) ở Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu là kính nổi siêu trắng của doanh nghiệp có chất lượng cao, đạt độ thấu quang đạt tới 91,6%; kính xây dựng cao cấp của nhà máy đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Nhà máy cũng là nơi đầu tiên sản xuất kính siêu trắng tại Việt Nam, có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan nhưng giá rẻ hơn nhiều. Hiện phía doanh nghiệp cũng có khoảng 10% hàng xuất khẩu đi các nước trên thế giới”, ông Nam chia sẻ.
Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn kiên định với chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu đãi dự án có hàm lượng công nghệ cao vào các ngành và lĩnh vực Bà Rịa-Vũng Tàu có thế mạnh thu hút như: dịch vụ logistics, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, nhựa - hóa chất, hóa dầu…
Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tầm cỡ, với công nghệ hiện đại hóa như: Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Vard (Na Uy) cùng các tập đoàn lớn trong nước đã có mặt tại tỉnh.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư tại tỉnh đều có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hệ thống tự động hóa trong khâu sản xuất tại Nhà máy của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Viglacera – CTCP), Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Tính đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 621 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 295 dự án đầu tư trong nước, với vốn đầu tư hơn 179.154 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài có 326 dự án, vốn đầu tư 16,367 tỷ USD và 11,65 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã cho thuê là hơn 3.648 ha, đạt tỉ lệ lấp đầy 69,42% trên tổng số 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 56,34% trên tổng số 17 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn lựa chọn tỉnh làm điểm đến đầu tư, ngoài việc sẵn sàng các cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đầu hệ thống giao thông kết nối khang trang, hiện đại.
Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối vào khu vực cảng biển Cái Mép – Thị Vải; giao thông kết nối với các dự án du lịch dọc tuyến đường ven biển từ thành phố Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc…; các tuyến đường kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An và chuẩn bị đầu tư tuyến đường Vành đai 4; nâng cấp đầu tư hoàn chỉnh các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56, các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận; thực hiện nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh đó là chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất thế hệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ít tiêu tốn năng lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên về hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dự án nguồn điện, dự án hóa dầu, khí …. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, tổ hỗ trợ các dự án đầu tư của tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam