
Viện trưởng VPI Phan Anh Minh giới thiệu với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP giúp gia tăng sản lượng khai thác cho khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ.
Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển khoa học công nghệ là động lực phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thế giới đang bước vào sự thay đổi sâu sắc với bước tiến công nghệ như AI, IOT, công nghệ xanh... Đây là thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với thế giới để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho các lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa thể chế thành cầu nối lan tỏa đến các nhà khoa học và doanh nghiệp. Để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần quan tâm phát triển mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để phát triển các xu hướng của thế giới mà Việt Nam có tiềm năng như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, đội ngũ tri thức; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế đến xã hội, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh ngoại giao khoa học, tranh thủ tri thức và công nghệ của thế giới, tham gia vào mạng lười toàn cầu, đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và trở thành cầu nối đưa những công nghệ mới đến Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phân tích 10 điểm đổi mới mang tính cách mạng trong dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Khoa học Công nghệ đang được sửa đổi thành Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Phân tích 10 điểm đổi mới mang tính cách mạng trong dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực.
Về việc chuyển từ quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cần phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm tâm đổi mới sáng tạo, các quỹ nghiên cứu phát triển, quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm. Để chuyển đổi số toàn diện hoạt động khoa học công nghệ và quản lý khoa học công nghệ, các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10 - 15 năm. Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành đã tham dự Triển lãm về giải pháp/sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu, thăm gian triển lãm của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và nghe Viện trưởng Phan Anh Minh giới thiệu chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu đã được VPI và Vietsovpetro bơm ép thử nghiệm công nghiệp tại khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ, giúp gia tăng sản lượng khai thác.
VPI cũng giới thiệu phần mềm đánh giá lựa chọn giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (VPI EOR Screening) phù hợp cho từng mỏ, đối tượng khai thác dầu tại Việt Nam; xây dựng mô hình mô phỏng địa chất và khai thác cho đối tượng áp dụng giải pháp công nghệ nâng cao thu hồi dầu; sản xuất chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP hoạt động tốt ở điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao, tương tác tốt với chất lưu vỉa dầu/khí/nước.
Bên cạnh đó, gian triển lãm của VPI cũng giới thiệu các loại nhiên liệu và hóa chất sạch từ khí thiên nhiên giàu CO2, cũng như chuỗi giá trị các sản phẩm tiên tiến trên cơ sở vật liệu nanocarbon (Graphene; phân bón tan chậm được bọc bằng vật liệu nano và dung môi xanh; dầu nhờn chứa phụ gia trên cơ sở vật liệu graphene, giúp giảm 5% tiêu hao nhiên liệu và giảm 15% lượng khí thải vào môi trường so với các loại dầu nhớt truyền thống).
Nguồn: Tạp chí PetroTimes