Thứ tư, 14/05/2025 | 04:32
Cần vốn xanh nhưng khó tiếp cận
Ông Đặng Quốc Bảo – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, đơn vị đã phát triển hàng loạt dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1,6GW. Dù các dự án đã triển khai cần nguồn vốn vay lớn nhưng đơn vị vẫn chưa tiếp cận được khoản vay nào theo chương trình tín dụng xanh. “Trong tổng số hơn 26.000 tỷ đồng Trung Nam đang vay tại các tổ chức tín dụng, không có khoản vay nào được hưởng ưu đãi về lãi suất, hạn mức hay kỳ hạn theo chương trình tín dụng xanh”, ông Đặng Quốc Bảo cho hay.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, bao gồm cả các đơn vị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh
Theo ông Bảo, nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm triển khai các dự án này, chính sách tín dụng xanh chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, quy trình thẩm định kéo dài do thiếu khung tiêu chí thống nhất khiến tiến độ đầu tư bị chậm. “Không có tổ chức nào đứng ra đại diện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh”, đại diện Trung Nam chia sẻ.
Còn ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, sắp tới thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ hợp nhất, đây là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng có cơ hội “lớn lên” vì dư địa quỹ đất của tỉnh Quảng Nam còn lớn. “Cũng vì thế, sắp tới có thể là giai đoạn doanh nghiệp sẽ đầu tư nhà xưởng, máy móc, công nghệ mới. Đây cũng là cơ hội và là thời điểm cần thiết để có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh để chuyển đổi sang sản xuất xanh", ông Phạm Bắc Bình nhận định.
Dư nợ tín dụng xanh tại miền Trung còn thấp
Ông Lê Anh Xuân – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 9 (gồm Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị) cho biết, đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực đạt khoảng 10.482 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 2% tổng dư nợ toàn vùng. Và thấp hơn nhiều so với mức chung của cả nước (dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,6% tổng dư nợ tín dụng cả nước).
Trong đó, các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm khoảng 35,5%. Đáng chú ý, Quảng Nam chiếm tới 60% dư nợ tín dụng xanh toàn khu vực.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng sáp nhập tỉnh là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng "lớn lên" và đây cũng là cơ hội để có các cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất xanh
Mặc dù các ngân hàng như: BIDV, Agribank, Vietcombank, ACB đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhưng thực tế cho thấy mức độ hấp thụ vốn xanh của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi từ 4-7%/năm (ngắn hạn) và 9-11%/năm (trung dài hạn), thậm chí một số gói chỉ dưới 4%/năm – song chưa đủ lực để tạo bứt phá do nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chí dự án xanh và báo cáo ESG (báo cáo phát triển bền vững).
Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc BIDV cho biết, thời gian qua, BIDV đã triển khai hàng loạt sản phẩm tín dụng xanh với tổng dư nợ 80.870 tỷ đồng, chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam.
Từ kinh nghiệm triển khai các gói tín dụng xanh, đại diện BIDV cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh, đặc biệt là ban hành danh mục phân loại dự án xanh, hệ tiêu chí đánh giá ESG. Song song, thành lập quỹ đầu tư xanh quốc gia với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có tiêu chí rõ ràng và quy trình minh bạch. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ưu đãi nghiên cứu – phát triển (R&D) và ứng dụng công nghệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh, có các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, qua đó tăng tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ, đặc biệt là các đối tượng thuộc Danh mục phân loại xanh; tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thân thiện với môi trường…
Bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, doanh nghiệp thì các địa phương cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, đại diện Ngân hàng khu vực 9 cho rằng các địa phương và doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để thúc đẩy tín dụng xanh. “UBND các địa phương cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đối các lĩnh vực xanh như các chính sách về thị trường, đào tạo, lao động, khoa học công nghệ, đất đai... nhằm tạo thêm nguồn lực khuyến khích chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp cần phát triển theo môi hình bền vững, sử dụng vốn tín dụng xanh hiệu quả, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường nhằm tránh phát sinh rủi ro trong thực hiện các dự án được cấp tín dụng”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 Lê Anh Xuân nói.
Tín dụng xanh là công cụ quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghiệp vẫn gặp khó do chính sách chưa rõ ràng, khung pháp lý thiếu đồng bộ, chi phí đầu tư lớn. Dù ngân hàng đã vào cuộc với các gói ưu đãi, nhưng để tín dụng xanh thực sự phát huy vai trò, cần nỗ lực đồng bộ từ cả nhà nước, tổ chức tài chính lẫn doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương
Chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Belarus tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Belarus, thúc đẩy lĩnh vực trụ cột: Công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, logistics.
13/05/2025