Thứ hai, 12/05/2025 | 20:54
Hơn 30 năm kể từ khi ngành ô tô Việt Nam chính thức hình thành, “giấc mơ” có một thương hiệu nội địa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vẫn là điều xa vời. Các liên doanh chủ yếu chỉ dừng ở lắp ráp, linh kiện chủ yếu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa dậm chân quanh mốc 10%. Trong suốt thời gian đó, chưa từng có một doanh nghiệp nội nào đủ năng lực và khát vọng để đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô.
Nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của VinFast - hãng xe điện do Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập đã mang đến một hướng đi mới với tham vọng “tự chủ, tự cường” trong sản xuất. Không đơn thuần là một dự án sản xuất xe, VinFast đang góp phần tháo gỡ những nút thắt của ngành công nghiệp ô tô trong nước, tạo sức bật mới cho toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp chế tạo nội địa.
Chạm gần hơn đến “giấc mơ” nội địa hóa
VinFast bắt đầu hành trình vào năm 2017 - thời điểm mà chưa ai dám hình dung một doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất ô tô từ con số 0. Tuy nhiên, chính câu chuyện “tự lực, tự cường” đã đánh thức chuỗi ngày ngủ đông của ngành công nghiệp ô tô trong nước và trở thành sự kiện mang tính bản lề cho hành trình công nghiệp hóa Việt Nam.
Xuất phát từ khát vọng ban đầu, lãnh đạo VinFast đã đặt ra mục tiêu không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Chỉ trong thời gian ngắn, hãng đã đưa vào vận hành tổ hợp sản xuất xe điện tại Hải Phòng, tích hợp đầy đủ các xưởng dập, hàn, lắp ráp và động cơ hiện đại được nhập khẩu từ Đức, Áo, Hàn Quốc… Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Mục tiêu đến năm 2026, tỷ lệ này sẽ nâng lên 84% khi doanh nghiệp tự chủ sản xuất được các linh kiện có giá trị cao như pin điện, hệ thống ghế, dây điện, đèn xe, vành xe, kính gương, nội thất - ngoại thất…
Bàn về câu chuyện này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự tin tưởng rằng với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 84% vào năm 2026 của VinFast hoàn toàn có thể thực hiện được.
"VinFast có hơn 7 năm nhưng đã làm được những điều hơn những hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi. Nên cam kết này của VinFast với đất nước Việt Nam sẽ thực hiện được trong 2 năm tới", Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định.
VinFast và giấc mơ nội địa hóa
Không đi một mình: Một hệ sinh thái tư nhân đang hình thành
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là cách VinFast dẫn dắt cả một hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân Việt cùng bước vào “cuộc chơi lớn”. Từ Ý Chí Việt, CNC VINA đến An Phát, Rạng Đông Holding… hàng loạt công ty nội địa đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất xe điện của VinFast.
Không dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm, “giấc mơ” xe điện Việt được hiện thực hóa thông qua cam kết lâu dài với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tại nhà máy VinFast Hải Phòng, hơn 30% diện tích của tổ hợp được dành để phát triển khu công nghiệp phụ trợ - nơi các doanh nghiệp Việt có thể tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng. Với việc đẩy mạnh quá trình nội địa hóa lên 84%, lãnh đạo VinFast cũng khẳng định sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện phụ trợ.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết VinFast đang tạo ra một chuẩn mực mới trong sản xuất khi không đơn thuần phát triển cho riêng mình, mà còn kéo theo nhiều doanh nghiệp nội địa cùng nâng cấp năng lực và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Tuấn cho rằng, sau chỉ 7 năm kể từ 2017, việc một “người mới” như VinFast vươn lên vị trí dẫn đầu là minh chứng rõ ràng cho khát vọng và chiến lược bài bản. Nhưng thành công đó không thể tách rời khỏi cách tiếp cận dựa trên nền tảng công nghệ, năng lực chế tạo và đặc biệt là cách doanh nghiệp chủ lực như VinFast tạo lực kéo cho toàn ngành.
“Làm sao để “cánh chim đầu đàn” như VinFast kéo theo nhiều cánh chim khác để công nghiệp chế biến chế tạo phát triển và cả ngành công nghiệp phát triển phù hợp bối cảnh mới?”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
VinFast - "cánh chim đầu đàn" của nền kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68: Hành lang chính sách cho khối doanh nghiệp tư nhân bứt tốc
Vai trò “cánh chim đầu đàn” của VinFast càng trở nên ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn hình thành chuỗi liên kết nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.
Với những chiến lược đúng đắn, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khẳng định vị thế dẫn đầu tại thị trường nội địa. Không chỉ chú trọng vào việc sản xuất ô tô điện với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng, hãng còn xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ cao quy mô lớn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi xanh, sự tiên phong của VinFast không chỉ tạo nền tảng cho một ngành công nghiệp ô tô bền vững, mà còn góp phần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.
VinFast không chỉ đơn thuần là một thương hiệu xe điện “Made in Vietnam” mà còn biểu tượng cho khát vọng tự chủ sản xuất, cho tinh thần đổi mới và vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự đồng hành của Nghị quyết 68, VinFast đang khẳng định vai trò “cánh chim đầu đàn” của khu vực kinh tế tư nhân, mở đường cho một thế hệ doanh nghiệp cùng tham gia kiến tạo ngành công nghiệp ô tô mang dấu ấn Việt.
Nguồn: Kiến thức đầu tư
Công ty TNHH Sakurai Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đến từ Nhật Bản, Sakurai Việt Nam chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu với dây chuyền hiện đại, khép kín và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, tâm huyết. Dưới sự dẫn dắt của Giám đốc đại diện Ochi Hitoshi, Sakurai Việt Nam vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách để khẳng định vị thế của mình trên bản đồ ngành may mặc Việt Nam và quốc tế.
12/05/2025