Thứ ba, 13/05/2025 | 14:54
Chi phí cho nhân công sản xuất ô tô tại Đức cao nhất thế giới. Ảnh: Carscoops
Sự chênh lệch này đang gây áp lực lớn lên ngành công nghiệp ô tô Đức, vốn đã chứng kiến sản lượng nội địa giảm hơn 25% trong 10 năm qua. Dù Đức chủ yếu sản xuất xe hạng sang, có giá trị đơn chiếc cao, tuy nhiên chi phí dành riêng cho nhân công quá cao đang khiến nhiều hãng xe của nước này phải đau đầu.
Không chỉ chi phí lao động, các yếu tố như quy định môi trường và tiêu chuẩn quá nghiêm ngặt, thiếu hỗ trợ đầu tư từ chính phủ, và tình trạng thiếu nhân lực kỹ thuật cao cũng đang góp phần làm suy yếu nội lực cạnh tranh của ngành ô tô Đức.
Fabian Brandt, Giám đốc Oliver Wyman tại Đức, cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp tục, nhiều nhà cung cấp quy mô trung bình có thể rời khỏi thị trường hoặc phá sản. Ông đặt câu hỏi về khả năng duy trì sản xuất ô tô tại Đức trong tương lai nếu không có những thay đổi đáng kể.
Bảng chi phí nhân công sản xuất ô tô tại một số nước. Nguồn số liệu: Oliver Wyman
Kể từ khi các chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump có hiệu lực, nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài, bao gồm cả các hãng Đức, đã bắt đầu cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất ngay trong lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thuế quan chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn. Một động lực quan trọng không kém là mong muốn thoát khỏi gánh nặng chi phí lao động nội địa đang ngày càng đè nặng lên ngành công nghiệp ô tô Đức.
Cơ hội cho những thị trường nhân công giá rẻ
Trong khi Đức và các quốc gia Tây Âu khác đang vật lộn với chi phí lao động cao, nhiều quốc gia có chi phí thấp hơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất ô tô.
Theo số liệu từ Oliver Wyman, Morocco dẫn đầu với chi phí lao động chỉ 106 USD (2,75 triệu đồng) mỗi xe, tiếp theo là Romania (273 USD - 7,1 triệu đồng), Mexico (305 USD - 7,9 triệu đồng) và Thổ Nhĩ Kỳ (414 USD - 10,7 triệu đồng).
Ngay cả Trung Quốc, với chi phí 597 USD (15,5 triệu đồng) mỗi xe, cũng không còn là lựa chọn tiết kiệm nhất nếu so với các quốc gia này.
Đức và các quốc gia Tây Âu khác đang vật lộn với chi phí lao động cao. Ảnh: Carscoops
Điều này khiến nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu đang có kế hoạch chuyển dịch về sản xuất ở các quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn nhằm tối ưu chi phí.
Sự chuyển dịch này không chỉ do chi phí lao động thấp mà còn bởi các yếu tố như cơ sở hạ tầng hiện đại, đặc biệt là chính sách ưu đãi của các chính phủ và chuỗi cung ứng hiệu quả.
Các hãng xe lớn như Renault đã thiết lập nhà máy tại Morocco, trong khi Mexico trở thành trung tâm sản xuất cho các hãng xe Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn đối với Audi, có thể sắp tới sẽ là lần đầu tiên hãng xe Đức này xây dựng nhà máy lắp ráp tại Mỹ.
Sự chênh lệch lớn về chi phí lao động đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô xem xét lại chiến lược sản xuất toàn cầu của mình. Đối với Đức, điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì vị thế là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và chi phí leo thang.
Nguồn: Vietnamnet.vn
Ngày 11/5, Công ty cổ phần Vận tải Bộ Tân Cảng nhận 4 giàn cẩu RTG Hybrid "made in Vietnam", trị giá gần 2 triệu USD mỗi chiếc.
12/05/2025