Thứ hai, 12/05/2025 | 17:02
Định hướng phát triển công nghiệp xanh, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 – 3 khu công nghiệp đạt chuẩn khu công nghiệp sinh thái.
Ông Đặng Quang Hải – Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng) cho biết, thành phố có những lợi thế khi triển khai chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh.
Theo ông Đặng Quang Hải, từ năm 2015 – 2019, khu công nghiệp Hòa Khánh đã được thí điểm triển khai dự án sáng kiến khu công nghiệp sinh thái. Đã có 29 doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hỗ trợ tư vấn để sản xuất sạch hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm trên 14.000 tỷ đồng/năm, giảm hơn 7.000 tấn CO₂, 50.000 m³ nước thải và 2.700 tấn chất thải rắn. Đồng thời, 6 cơ hội cộng sinh công nghiệp được hình thành, tiêu biểu như tận dụng khí sinh học từ nhà máy bia làm nhiên liệu nồi hơi hay tái sử dụng phế liệu giấy và gỗ. Các hoạt động đào tạo kiểm toán năng lượng, an toàn hóa chất, đánh giá sản xuất sạch hơn đang được thực hiện đồng bộ để nâng cao năng lực doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng giúp thành phố thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Tại Quảng Nam, ông Lê Quang Triều, Phó Trưởng Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cho biết, với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, tuần hoàn, tỉnh Quảng Nam đã và đang hướng đến chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có, đầu tư phát triển khu công nghiệp xanh, gắn với áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, tăng tái chế,…
Theo định hướng tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 17/1/2024, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, sạch và tự động hóa cao. Tỉnh cũng bổ sung quy hoạch 16 khu công nghiệp mới, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sinh thái nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc và tăng tỷ trọng đóng góp công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP.
Ông Phùng Tấn Viết - Nguyên Phó Chủ tịch UBND cho rằng khu công nghiệp xanh là công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu
TS. Phùng Tấn Viết, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng khu công nghiệp xanh là công cụ quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Các sản phẩm sản xuất tại khu công nghiệp xanh có thể đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… “Sản xuất trong khu công nghiệp xanh sẽ tạo ra sản phẩm xuất khẩu xanh. Các sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn tạo dựng được thương hiệu; các yếu tố xanh của doanh nghiệp cũng được nhận diện, đánh giá cao từ đối tác”, TS. Phùng Tấn Viết nhận định.
Còn nhiều rào cản trong chuyển đổi
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh đang còn nhiều khó khăn.
Đầu tiên là vấn đề thể chế. Theo TS. Phùng Tấn Viết, các điều kiện để được công nhận là khu công nghiệp xanh (khu công nghiệp sinh thái) chưa được cụ thể hóa và còn nhiều bất cập. Đơn cử như tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ (Nghị định 35) yêu cầu các doanh nghiệp tại khu công nghiệp phải “tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái”. Hiện nay, việc đảm bảo 100% doanh nghiệp tại khu công nghiệp chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực trong vòng 3 năm là rất khó khả thi (đặc biệt khi đề cập đến lĩnh vực lao động).
Việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp xanh còn nhiều vướng mắc
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Triều cho rằng cần ban hành tiêu chí đánh giá khu công nghiệp xanh rõ ràng, cụ thể. “Việc xây dựng bộ tiêu chí này cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh tốt hơn”, đại diện Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam nhận định.
Còn theo ông Đặng Quang Hải, tại Nghị định 35, cơ chế quản lý khu công nghiệp sinh thái giống như khu công nghiệp thông thường. Điều này là một bất cập, vì khu công nghiệp sinh thái có những yêu cầu cao hơn.
Thứ hai, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ từ hạ tầng khu công nghiệp đến hạ tầng sản xuất của doanh nghiệp. Đây là “bài toán” cần nguồn kinh phí lớn, trong khi việc tiếp cận nguồn tín dụng xanh còn khá hạn chế. Một phần đến từ doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm dành nguồn lực lớn để chuyển đổi; một phần khác do thiếu thông tin về danh mục ngành nghề xanh, khiến ngân hàng khó thẩm định và doanh nghiệp e ngại tham gia.
Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp cũ thiếu vùng đệm, hạ tầng xử lý nước thải, chất thải không đồng bộ, dẫn đến chi phí đầu tư cải tạo cao. Việc hình thành cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng gặp rào cản về tâm lý, thiếu cơ chế khuyến khích cụ thể.
Cần có những tiêu chí rõ ràng để đánh giá khu công nghiệp xanh, sản xuất xanh để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh
Trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh về xuất khẩu hàng hóa đang ngày một nâng cao, thì việc phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là bắt buộc để sản phẩm có sức cạnh tranh, đồng thời đóng góp vào nỗ lực ứng phó khí hậu của Việt Nam. Vì vậy, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, có cơ chế thúc đẩy hình thành, phát triển khu công nghiệp xanh cũng như chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang hướng khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.
Phát triển khu công nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu tại Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm tăng giá trị xuất khẩu và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi còn gặp nhiều rào cản về thể chế, hạ tầng, vốn tín dụng và thiếu cơ chế khuyến khích rõ ràng cho doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương
Hãng xe điện lớn nhất Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đầu tư cực lớn cho "cơ đồ" tại Indonesia.
12/05/2025