Thứ hai, 05/05/2025 | 05:59
Với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp năng động của khu vực Nam Trung Bộ, Khánh Hòa đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ như một trụ cột chiến lược của tỉnh.
Hướng đi chiến lược
Trong những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngày càng được xác định là lĩnh vực then chốt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp nói chung. Tại Khánh Hòa, chính quyền địa phương đã sớm ban hành nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển ngành CNHT phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển công nghiệp bền vững.
Dựa trên các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 68/QĐ-TTg năm 2017 và Quyết định số 71/QĐ-TTg năm 2024, và trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và định hướng phát triển của công nghiệp, Khánh Hòa xác định mục tiêu phát triển ngành CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 tập trung vào các ngành mũi nhọn gồm: cơ khí, dệt may - da giày, điện tử, thiết bị điện và công nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển ngành CNHT vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chính; Ưu tiên phát triển ngành CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của DN trên địa bàn tỉnh, tạo sức hút để các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Khánh Hòa làm điểm đến đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp và gián tiến để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển. Xây dựng và hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ cho các ngành CNHT
Tỉnh Khánh Hoà xác định việc phát triển CNHT vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chính (Ảnh: Báo Chính phủ)
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu phát triển CNHT từng bước từ thấp đến cao, từ sản phẩm có trình độ công nghệ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên cơ sở phát huy năng lực sản xuất của các DN trong tỉnh kết hợp với thu hút các nhà đầu tư mới; Nâng cao trình độ lao động và bố trí các nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT.
Trong lĩnh vực cơ khí, địa phương chú trọng phát triển ngành chế tạo máy móc, thiết bị và các linh kiện phức tạp có độ chính xác cao, đòi hỏi công nghệ hiện đại. Ngành dệt may – da giày được định hướng duy trì năng lực sản xuất hiện có, đồng thời đầu tư vào công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt ở các khâu có giá trị gia tăng cao như nhuộm, hoàn thiện sản phẩm. Với ngành điện tử và thiết bị điện, Khánh Hòa hướng đến hình thành các doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện, chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao, thu hút đầu tư vào khâu thiết kế, chế tạo linh kiện, bo mạch, phần mềm… Trong khi đó, công nghiệp công nghệ cao sẽ phát triển các doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị hỗ trợ, phần mềm chuyên dụng và dịch vụ kỹ thuật hiện đại.
Rào cản phát triển
Ngành CNHT đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, các DN CNHT tại Khánh Hòa đang gặp phải một số khó khăn và thách thức.
Chi phí đầu tư cao: tỷ lệ chi phí cho ngành CNHT, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, máy móc và công nghệ, cao hơn nhiều so với chi phí lao động. Điều này khiến các DN CNHT đối mặt với áp lực tài chính lớn và khả năng mở rộng sản xuất bị hạn chế.
Hạn chế về cơ sở hạ tầng: hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, logistics, kho bãi chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của ngành. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất và thời gian giao hàng.
Thủ tục hành chính phức tạp: quy trình cấp phép đầu tư, hỗ trợ tín dụng và các thủ tục liên quan còn bất cập, gây mất thời gian và chi phí cho DN.
Thiếu hụt lao động chất lượng cao: nguồn nhân lực kỹ thuật, đặc biệt là công nhân có tay nghề cao, còn khan hiếm. Chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của DN CNHT.
Trong lĩnh vực cơ khí, Khánh Hòa chú trọng phát triển ngành chế tạo máy móc, thiết bị và các linh kiện phức tạp có độ chính xác cao, đòi hỏi công nghệ hiện đại (Ảnh: Báo Chính phủ)
Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ: Chính sách phát triển ngành CNHT chưa thực sự được chú trọng và triển khai đồng bộ. Việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn nhiều rào cản.
Liên kết chuỗi cung ứng yếu: sự liên kết giữa các DN CNHT và các DN đầu chuỗi còn lỏng lẻo, chưa tạo được hệ sinh thái CNHT bền vững
Giải pháp trọng tâm
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển CNHT trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về CNHT được đẩy mạnh hơn nữa để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng hiệu quả các hỗ trợ của nhà nước.
Địa phương cũng đang tích cực mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời tăng cường liên kết quốc tế, đặc biệt với những quốc gia có nền CNHT phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm CNHT.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa sẽ phối hợp với các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, hình thành các cụm CNHT trong khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực hợp tác, chia sẻ công nghệ và nguồn lực.
Hoạt động kết nối doanh nghiệp thông qua các hội thảo, diễn đàn giao thương, triển lãm sản phẩm cũng sẽ được chú trọng, nhằm tạo ra sân chơi và cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp CNHT phát triển bền vững.
Với vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất và tiềm năng phát triển lớn, CNHT đang từng bước khẳng định vị thế tại Khánh Hòa. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với định hướng đúng đắn, sự hỗ trợ từ chính sách và nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, ngành CNHT tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn có thể bứt phá mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền công nghiệp địa phương.
Qua 05 năm (2021-2025) triển khai thực hiện Chương trình phát triển CNHT, được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Công Thương: Năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại đã triển khai 01 đề án “Điều tra, khảo sát doanh nghiệp hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh khánh Hòa” và phối hợp Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa triển khai 01 đề án “Tuyên truyền công nghiệp hỗ trợ phụ liệu ngành may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Tổng kinh phí thực hiện cho 02 đề án nêu trên từ nguồn kinh phí CNHT địa phương. Năm 2025, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại chuẩn bị triển khai đề án “Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” từ nguồn kinh phí CNHT địa phương. |
Với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp năng động của khu vực Nam Trung Bộ, Khánh Hòa đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ như một trụ cột chiến lược của tỉnh.
04/05/2025