Thứ sáu, 02/05/2025 | 05:57
Trong bức tranh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho năng lực sản xuất quốc gia. Quảng Ngãi, với nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong lĩnh vực CNHT.
Thách thức trong phát triển
Thực hiện các chỉ đạo từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi xướng một loạt các quyết định quan trọng, trong đó có Quyết định số 1125/QĐ-UBND về Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án).
Đề án xác định rõ ràng các nhóm ngành ưu tiên phát triển như cơ khí chế tạo, lọc hóa dầu, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các quyết định này nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý vững chắc và những cơ chế hỗ trợ phù hợp, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia phát triển ngành CNHT tại địa phương.
Cùng với các văn bản chỉ đạo, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp và Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, cung cấp các thông tin hữu ích về các chính sách hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia vào các chương trình phát triển CNHT. Tuy nhiên, qua 05 năm thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Ngãi, vẫn chưa có doanh nghiệp tham gia Đề án.
Công nhân Công ty TNHH Điện tử SUMIDA Quảng Ngãi (Ảnh: Báo Đầu tư)
Một trong những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ phát triển CNHT tại Quảng Ngãi là sự thiếu hụt nguồn lực của các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các đơn vị nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vốn đầu tư, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực có kỹ năng chuyên sâu; đồng thời, các doanh nghiệp chưa thực hiện sản xuất các sản phẩm ưu tiên phát triển nên chưa tham gia các chương trình hỗ trợ của trung ương và địa phương, việc phát triển sản xuất đối với các nhóm sản phẩm theo Đề án chưa đạt như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vẫn còn khá hạn chế, và các thủ tục hành chính liên quan đến việc tham gia các chương trình hỗ trợ còn nhiều vướng mắc. Mặc dù các doanh nghiệp được thông tin đầy đủ về các hỗ trợ từ Bộ Công Thương và chính quyền tỉnh, nhưng do thiếu nguồn lực và thiếu sự chuẩn bị, các doanh nghiệp chưa thể tận dụng được các cơ hội này.
Tại Quảng Ngãi, có Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất là tiền đề để thu hút nhóm doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ưu tiên phát triển phục vụ ngành lọc hóa dầu và ngành cơ khí chế tạo. Đặc thù của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao, giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển, nguồn lực tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài với bề dày kinh nghiệm, chi phí tài sản và nghiên cứu phần lớn đã được khấu hao nên chi phí sản xuất thấp. Vì vậy sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh được với sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài những khó khăn về nguồn lực và thủ tục hành chính, việc tiếp cận đất đai cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành CNHT. Thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, chi phí ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng đã tạo áp lực tài chính không nhỏ cho các doanh nghiệp, khiến họ gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án và giảm hiệu quả đầu tư.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy ngành CNHT tại Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các giải pháp đồng bộ và cụ thể là rất cần thiết. Trước hết, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho ngành CNHT là yếu tố then chốt. Cần sớm trình Quốc hội ban hành Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp sản xuất CNHT. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển các sản phẩm công nghiệp trong nước, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Ngãi.
Lớp tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quảng Ngãi (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)
Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành CNHT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sản phẩm CNHT. Các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng cần được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các chính sách vay vốn ưu đãi và các chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các lớp tập huấn, hội thảo nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý và công nhân kỹ thuật của các doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn nâng cao khả năng tiếp cận với những công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Có thể thấy, dù còn gặp phải nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực không ngừng của chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, ngành CNHT Quảng Ngãi đây vẫn có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Bằng cách hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương cũng như cả nước.
Cục Công nghiệp
Quảng Ngãi, với nền công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dự án lớn như Lọc Hóa Dầu Bình Sơn và Thép Hòa Phát Dung Quất, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trong lĩnh vực CNHT.
01/05/2025