Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ ba, 06/05/2025 | 12:57

Công nghiệp hỗ trợ

Bứt phá phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng tới trung tâm cơ khí và dệt may miền Trung

06/05/2025
Với việc hình thành các cụm ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có quy mô, thu hút đầu tư mạnh mẽ và định hướng rõ ràng, Quảng Nam đang dần khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất cơ khí, ô tô và dệt may quan trọng tại miền Trung.

Từ chính sách đến hành động
Với tầm nhìn chiến lược và sự chủ động trong triển khai chính sách, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều bước đi vững chắc trong thực hiện Chương trình phát triển CNHT. Từ những nền tảng ban đầu còn nhỏ lẻ, manh mún, đến nay CNHT của tỉnh đã dần định hình rõ vai trò trong chuỗi sản xuất công nghiệp khu vực miền Trung và cả nước.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 và Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 về việc sửa đổi, bổ sung chương trình phát triển CNHT, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã chủ động vào cuộc. Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ đến các công chức, viên chức và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của CNHT trong nền kinh tế hiện đại.
Từ việc truyền thông chính sách đến triển khai cụ thể, Sở Công Thương đã hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận, đăng ký tham gia các chương trình và đề án phát triển CNHT theo đề xuất của Bộ Công Thương. Tỉnh cũng tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp luật, trong đó có dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Đây là bước đi cho thấy sự chủ động của địa phương không chỉ trong việc thực thi mà còn trong hoàn thiện chính sách quốc gia.
Toàn cảnh Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải, hạt nhân của công nghiệp hỗ trợ Quảng Nam (Ảnh: vietnamconstruction)
Về phía chính quyền địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa các chủ trương trung ương bằng các quyết định và đề án mang tính chiến lược. Năm 2014, tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2025 (Quyết định số 1286/QĐ-UBND) và Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 285/QĐ-UBND). Những quyết sách này đã mở đường cho quá trình hình thành các CNHT chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, một số lĩnh vực đã phát triển rõ nét như cơ khí chế tạo (bao gồm sản xuất kim loại, máy móc, phụ tùng ô tô - xe máy), dệt may (từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm đến phụ kiện ngành may) và điện - điện tử (linh kiện điện tử, pin - ắc quy, thiết bị chiếu sáng). Nổi bật trong số đó là việc hình thành Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải với 32 dự án liên quan đến sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô. Riêng Thaco Industries - đơn vị chủ lực trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã phát triển 25 công ty chuyên sản xuất và gia công sản phẩm cơ khí đa dụng và linh kiện ô tô.
Bên cạnh lĩnh vực cơ khí, tỉnh Quảng Nam còn ghi dấu ấn ở ngành dệt may với việc hình thành Khu công nghiệp dệt may Tam Thăng. Khu công nghiệp này đã thu hút 27 dự án, trong đó có 21 dự án FDI và 6 dự án trong nước. Các nhà đầu tư chiến lược gồm Tập đoàn Hyosung, Công ty Panko, Oriental Commerce, CTR, YeJin F&G (Hàn Quốc), Amann (Đức)... Tổng vốn đầu tư lên đến 13.040 tỷ đồng, tương đương 620 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng Khu liên hiệp sợi - dệt - nhuộm - may tại huyện Quế Sơn, tạo động lực lan tỏa cho toàn ngành.
Nhận thức rõ vai trò của cải thiện môi trường đầu tư trong việc phát triển CNHT, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch hành động theo Quyết định số 2042/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ. Các giải pháp cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đã được triển khai rộng khắp. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn tỉnh.
Nỗ lực bứt phá
Tầm nhìn dài hạn cho CNHT được Quảng Nam thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024. Theo đó, tỉnh xác định phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa và tự động hóa cao, với mục tiêu đưa công nghiệp chế biến - chế tạo trở thành trụ cột của nền kinh tế. Các ngành ưu tiên gồm sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí đa dụng, điện tử, logistics và dịch vụ hậu cần cảng biển, đường sắt, sân bay. Đặc biệt, dự án Trung tâm điện khí miền Trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ đóng vai trò động lực phát triển mới của cả tỉnh và khu vực.
Song song với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao tại vùng đồng bằng, tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi. Đây là giải pháp mang tính bền vững, vừa giải quyết lao động địa phương, vừa tận dụng nguyên liệu tại chỗ, đồng thời hạn chế tiếp nhận các ngành sản xuất  sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm.
Đặc biệt, thực hiện Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 06/5/2022 của Văn phòng Chính phủ, tỉnh đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để rà soát, hoàn chỉnh đề cương và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đây được kỳ vọng sẽ là mô hình mẫu cho hợp tác vùng và phát triển CNHT quy mô lớn trong tương lai.
Từ một địa phương công nghiệp chưa phát triển, tỉnh Quảng Nam đang vươn mình trở thành đầu tàu CNHT miền Trung, đóng góp ngày càng lớn vào chuỗi cung ứng trong nước và khu vực. Với tầm nhìn rõ ràng, chính sách đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của chính quyền, chương trình phát triển CNHT Quảng Nam đang góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh cho tỉnh trên bản đồ công nghiệp quốc gia.
Cục Công nghiệp