Xác định KHCN là “chìa khóa vàng” và “là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta” là lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm ngay trong những ngày đầu Năm mới 2025.
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. (Nguồn: nhandan.vn)
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngay tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra tại Hà Nội ngày 13/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được thành lập, lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng ban; Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công cuộc phát triển đất nước lần này, đưa đất nước qua giai đoạn tích lũy bước vào giai đoạn nhảy vọt không thể có sự lừng chừng. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, được ban hành ngày 22/12/2024 đã thể hiện tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, về nhận thức và tổ chức thực hiện để thực hiện cho bằng được các nhiệm vụ chiến lược mang tính đột phá phát triển.
Nhiều chuyên gia nhận định, chúng ta đang trong không khí của “Khoán 10” lần thứ hai. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá rằng cả “Khoán 10” năm 1988 và Nghị quyết 57 đều mang tính chất đột phá. Nếu “Khoán 10” mở đường cho nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu và trao quyền tự chủ sản xuất cho nông dân, thì Nghị quyết 57 nhấn mạnh vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo như động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Khoán 10” ra đời trong bối cảnh đất nước thiếu lương thực, khủng hoảng kinh tế và cần một giải pháp để tồn tại và phát triển. Còn Nghị quyết 57 là sự chuẩn bị chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi KHCN, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang định hình nền kinh tế thế giới.
Nếu “Khoán 10” giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, thì Nghị quyết 57 hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21, với KHCN và đổi mới sáng tạo làm trụ cột, vừa mang tính thời đại và dài hạn.
Nghị quyết 57 phản ánh sự chuẩn bị chiến lược của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà KHCN và chuyển đổi số đang định hình tương lai toàn cầu. Nghị quyết không chỉ giải quyết các thách thức hiện tại, mà còn định hướng để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, hội nhập sâu vào nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), tinh thần chung của cả Nghị quyết Khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
Khoa học công nghệ được xem là công cụ thiết yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí năng lượng. (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ)
Tác động mạnh cộng đồng khoa học và toàn xã hội
Ngân hàng thế giới, cho biết, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 108 nền kinh tế chưa vượt qua được. Hiện nay, Việt Nam đang có mức thu nhập trung bình khoảng 4.700 USD. Nếu cứ tăng trưởng khoảng 7% một năm, đến năm 2040, Việt Nam mới gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, tiêu chí về mức thu nhập sẽ thay đổi, nếu không phát triển đột phá thì khó đạt được mục tiêu đó.
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học. Nghị quyết 57 xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính thúc đẩy mô hình và phương thức sản xuất kiểu mới. Quan điểm và mục tiêu Nghị quyết đề ra sẽ tác động rất mạnh không chỉ với cộng đồng nhà khoa học, mà là toàn xã hội.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với nhà khoa học chính là cơ chế tài chính phức tạp và mang nặng tính hành chính. Thực tế để được giải ngân kinh phí, nhà khoa học phải hoàn thành hàng loạt thủ tục chứng minh chi tiêu, làm giảm đáng kể thời gian dành cho nghiên cứu thực sự. Chính vì vậy, điểm đột phá của Nghị quyết 57 là thay đổi cách quản lý tài chính công.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Khi cơ chế này được thực thi, những rào cản về tài chính và thủ tục hành chính sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo, thay vì bị cuốn vào việc hoàn thiện chứng từ như hiện nay.
Tháo gỡ hết các rào cản, điểm nghẽn để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách luôn từ trong năm 2025, càng sớm càng tốt, chứ không phải xa xôi, không phải nói chung chung, là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tinh thần quyết liệt của Tổng Bí thư đã như luồng gió tạo không khí mới cho giới khoa học trong nước cũng như sự hưởng ứng, hướng về đất nước của các nhà khoa học Việt kiều trên khắp thế giới. Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Tạo ra sự đột biến, nhảy vọt, nắm được cơ hội thì có thể từ nghèo thành khá giả, thậm chí trở nên giàu có, từ yếu có thể thành mạnh, từ lạc hậu có thể thành tiên tiến. Đây là cơ hội ngàn năm có một bởi nếu không bây giờ thì không bao giờ có được. Chúng ta có nhiều chính sách rất hay nhưng chúng ta chưa thực hiện thành công thì bây giờ phải có giải pháp mang tính đột phá chưa từng có, trong đó có vấn đề về đầu tư, vấn đề về thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng và tất cả những vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ và kỹ thuật số.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng, hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn thấp, dẫn đến nhiều hạn chế trong phát triển hạ tầng, nghiên cứu cơ bản và công nghệ ứng dụng; cần quyết tâm chi ngân sách cho khoa học và công nghệ ở mức tối thiểu 3% GDP như Nghị quyết 57 đã đề ra ngay trong năm 2025, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.
Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để thực hiện khát vọng đó, không có con đường nào khác ngoài việc dồn lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để làm được điều này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam hiện có đủ điều kiện để có khát vọng lớn hơn, và khát vọng đó là có cơ sở, nhưng làm được hay không thì phải cố gắng trong cả quá trình. Đây là con đường duy nhất để phát triển bứt phá, trong đó có 3 việc phải thực hiện nhanh, có hiệu quả: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và con người thông minh.
“Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” và phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, với tinh thần hành động từ trung ương, thổi sức nóng xuống địa phương là cơ sở của niềm tin vào bước chuyển mình, vận hội mới của cả dân tộc.
Nguồn: Báo quốc tế