Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ tư, 16/07/2025 | 11:45

Tin hoạt động

Sản xuất thông minh bền vững hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

15/07/2025
Với vị trí địa lý chiến lược, hội nhập toàn cầu và khu vực mạnh mẽ qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư toàn cầu; trong đó, lĩnh vực sản xuất thông minh bền vững tại Việt Nam đã và đang cho thấy tạo được sức hấp dẫn ngày càng tăng với doanh nghiệp ngoại.
Ngành chế biến, chế tạo là trụ cột chính của tăng trưởng công nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chuyển đổi công nghệ
Theo một số chuyên gia, Việt Nam nổi lên là điểm đến chiến lược cho nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm năng lực sản xuất cạnh tranh, chuỗi cung ứng linh hoạt và môi trường đầu tư thuận lợi. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo là trụ cột chính của tăng trưởng công nghiệp và ghi nhận mức tăng ấn tượng, tiếp tục dẫn dắt toàn ngành công nghiệp đi lên.

Cụ thể, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Châu Đình Thành, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế, việc tham gia sâu vào những chuỗi giá trị toàn cầu mang đến cơ hội thuận lợi để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và xanh. Đặc biệt, việc chuyển mình mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh gắn liền với yếu tố bền vững sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm phát triển nền sản xuất công nghiệp dài hạn.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Tổng giám đốc Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam chia sẻ, không chỉ tại Việt Nam mà sản xuất công nghiệp toàn cầu đang đứng trước kỷ nguyên mới, ở đó công nghệ xanh hóa, số hóa sẽ cùng định hình lại hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh và phát triển toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp với làn sóng chuyển đổi này, tận dụng được những điều kiện thuận lợi hợp tác quốc tế, thúc đẩy nội lực công nghệ, đồng thời phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo hướng tích hợp - thông minh - bền vững.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, không nằm ngoài làn sóng sản xuất thông minh và phát triển bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp hiện đại, sản xuất công nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình để thích ứng, đổi mới và bứt phá nhằm hướng tới một nền công nghiệp hiệu quả, thông minh, cũng như xanh hơn. Cụ thể, có thể kể đến nhiều giải pháp sản xuất thông minh bền vững kết hợp chiến lược phù hợp đã được triển khai như chuyển đổi khu công nghiệp theo mô hình tích hợp thế hệ mới, phi thuế quan và logistics, tài chính và thị trường vốn… đã và đang thúc đẩy sản xuất Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Những năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực sản xuất đã từng bước nhận thức rõ hơn về giá trị của việc áp dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, khi bắt tay vào sản xuất thông minh bền vững, doanh nghiệp không chỉ đổi mới công nghệ mà còn tích hợp yếu tố phát triển bền vững vào chiến lược hoạt động, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng.

Điển hình, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi theo mô hình sản xuất thông minh và khu công nghiệp thông minh bền vững. Hội này không ngừng nỗ lực trở thành cầu nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến sản xuất thông minh bền vững; cũng như để hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW) và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW).

Điểm đến mới nổi

Hiện tại Việt Nam, nhiều công ty hàng đầu, gồm: Amkor, Intel, Samsung… đã có hoạt động đáng kể tại đây trong lĩnh vực đóng gói, thử nghiệm và lắp ráp. Việc ban hành Chiến lược Phát triển Bán dẫn Quốc gia của Việt Nam vào năm 2024 cho thấy tham vọng rõ ràng trong việc tiến xa hơn trong chuỗi giá trị - thiết kế vi mạch, vật liệu tiên tiến và chế tạo.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi đầy triển vọng của ngành bán dẫn toàn cầu. Điều này đến từ việc Việt Nam đang sở hữu một số lợi thế chiến lược như ổn định chính trị và kinh tế, lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ đang được gia tăng, cơ sở hạ tầng sản xuất điện tử mạnh mẽ…

Liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, ông Daniel Stork, Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp, công ty Hà Lan mong muốn hợp tác với đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đồng thời thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam như một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, công ty Hà Lan kỳ vọng hợp tác với những nhà cung cấp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh năng lực sản xuất và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang không ngừng phát triển.

“Theo đó, có thể kể đến một số nhóm lĩnh vực là đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, quản trị công nghệ… Hà Lan cũng sẵn sàng trở thành một bên hỗ trợ chiến lược cho khát vọng phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam - thông qua chuyển giao tri thức, đầu tư và xây dựng hệ sinh thái”, ông Daniel Stork cho biết thêm.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đến từ một số quốc gia cũng cho thấy, tham vọng tham gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thông qua đầu tư vào nhân tài và hệ sinh thái, bởi chính những kỹ sư, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ là động lực lâu dài của sự đổi mới. Mặt khác, hình thành liên minh chiến lược các quốc gia, đối tác quốc tế tin cậy có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển năng lực, giảm thiểu rủi ro, tiếp cận chuyên môn tiên tiến… trong quá trình bắt nhịp ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Đại diện doanh nghiệp ngoại hiến kế, thay vì đặt mục tiêu bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị bán dẫn, Việt Nam có thể định vị là quốc gia dẫn đầu trong một số lĩnh vực nhất định như thử nghiệm tiên tiến, thiết kế chip hoặc đóng gói chuyên dụng… để có thể phát triển và đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn mang đến cơ hội cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, Việt Nam không nên bỏ qua những thị trường phụ trợ.

Về phía địa phương, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nhận định, TP Hồ Chí Minh với vị thế là đầu tàu kinh tế và khu công nghệ cao được lựa chọn là một trong những điểm đến đón làn sóng bán dẫn toàn cầu ở Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh ươm tạo 126 dự án vi mạch điện tử công nghệ thông tin, thu hút 42 dự án đầu tư lĩnh vực vi điện tử từ thiết kế điện tử từ thiết kế đến sản xuất…

Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 của Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia; cũng như là điểm đến chiến lược của các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới. Các phân khú ưu thiên thu hút đầu tư trong ngành bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh gồm thiết kế vi mạch (IC Design); sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử (OSAT); Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, MEMS và AioT; Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam