Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ năm, 29/05/2025 | 18:06

Tin hoạt động

Đưa công nghiệp bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ

28/05/2025
Ngành công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao từ chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lực tự chủ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xác định là yếu tố sống còn để Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà là trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực
Sự kiện “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường”

Vẫn thiếu sự liên kết

Mặc dù vậy, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa có định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tới 64,7% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì khi tham gia; chỉ có khoảng 15,3% có chiến lược tổng thể trong dài hạn… Cùng với đó, năng lực của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới đáp ứng được ở mức trung bình, gặp khó khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tại sự kiện “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường” diễn ra ngày 27/5ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI cho biết, hiện nay, một trong những điểm yếu của Việt Nam là vẫn chưa làm chủ được các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị công nghiệp, dẫn đến thiếu các doanh nghiệp đầu ngành dẫn đầu, thiếu sự liên kết, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia được vào chuỗi giá trị.

Mặc dù nhóm hàng điện tử chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu, hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành này chỉ từ 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu nên có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Ông Huân cho rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp đối mặt với khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là do thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả và thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, thiếu sự kết nối trong chuỗi và các biện pháp xúc tiến thương mại; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống.


Việt Nam hướng đến trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực

Cần xây dựng năng lực công nghiệp tự chủ

Trong kinh tế số thì vai trò của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp rất quan trọng. Vì thế, theo TS. Nguyễn Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, một nền kinh tế có phát triển được hay không được đánh giá từ chỉ số phát triển công nghiệp, vì công nghiệp tạo ra sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

”Cho dù một quốc gia có thành công trong việc xây dựng Chính phủ số hay là xã hội số, nhưng nếu không làm tốt kinh tế số thì chắc chắn công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ không thành công”, ông nhìn nhận.

Theo ông Quân, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp được xem là khó nhất trong tất cả các loại hình chuyển đổi số. Cụ thể, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước thông qua Chính phủ số đến thời điểm hiện tại có thể tạm yên tâm vì đã đạt được những thành công bước đầu. Đối với chuyển đổi số trong các hoạt động xã hội, ông cho rằng nếu việc chuyển đổi số trong Chính phủ, công nghiệp và doanh nghiệp diễn ra thành công thì xã hội số sẽ tự động được thụ hưởng các thành quả từ quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành.

"Chỉ còn 5 năm nữa để đạt mục tiêu đầu tư cho khoa học công nghệ tương đương 2% GDP, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải hoàn thành quãng đường mà Trung Quốc và Hàn Quốc từng mất 30-40 năm chỉ trong vòng 5 năm. Đây là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, phần đầu tư từ Nhà nước chiếm 3% tổng chi ngân sách nhà nước, thực tế chỉ tương đương khoảng 0,4% GDP, nên vấn đề đặt ra là làm sao huy động được phần đầu tư từ xã hội cao gấp 4 lần phần ngân sách nhà nước”, ông Quân nói.

Vì vậy, ông Quân cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm đầu tư của khối doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà là toàn bộ hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam. Về lâu dài, theo ông, doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành nguồn đầu tư lớn nhất cho phát triển khoa học và công nghệ.

Để thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ, hùng cường, theo ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong thời gian tới cần xây dựng năng lực công nghiệp tự chủ và chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào một số trụ cột chính. Đó là veef công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, nâng cấp thiết bị, quy trình, chất lượng sản phẩm; liên kết ngành và phát triển cụm công nghiệp: tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp đầu chuỗi, giữa các vùng sản xuất, giữa doanh nghiệp và viện, trường; phát triển nhân lực kỹ thuật chất lượng cao để hỗ trợ tự động hóa, số hóa và vận hành chuỗi hiệu quả.

Trong chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lực tự chủ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xác định là yếu tố sống còn để Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà là trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực”, ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.

Hướng đến mục tiêu này, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Việt Nam 2025 – VIET INDUSTRY 2025 sẽ chính thức diễn ra từ 11-13/9/2025, tại Cung Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), Hà Nội. Sự kiện được tổ chức bởi Công ty CP Thương hiệu & Truyền thông Quốc tế (IBC), phối hợp thực hiện cùng INTECH Group, Hội KHKT Lạnh & Điều hòa Không khí Việt Nam (VISRAE) và các đối tác chiến lược gồm VCCI-EDI, BEXCO – Hàn Quốc, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Hàn Việt Nam…

Điểm nhấn chiến lược tại VIET INDUSTRY 2025 được giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là Diễn đàn cấp cao lĩnh vực công nghiệp với chủ đề “Chung tay phát triển nền Công nghiệp Việt Nam Tự chủ - Hùng cường”. Đây sẽ là không gian đối thoại quan trọng, quy tụ lãnh đạo bộ ngành, chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất, cùng trao đổi về định hướng phát triển công nghiệp quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi.

Diễn đàn tập trung vào ba trụ cột nội dung chính: Thứ nhất, hoạch định chính sách công nghiệp, làm rõ định hướng triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Thứ hai, phát triển sản xuất tự chủ và bền vững thông qua thúc đẩy khả năng thích ứng, tự chủ sản xuất, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Thứ ba, tăng cường vai trò kinh tế tư nhân thông qua trình bày các sáng kiến, mô hình điển hình và định hướng phát triển khu vực tư nhân, góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng