Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
IGIP IGIP

Thứ tư, 28/05/2025 | 12:17

Tin hoạt động

Tái cơ cấu ngành công nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

27/05/2025
Những năm qua, các cấp, các ngành và doanh nghiệp (DN) nhận thức sâu sắc hơn về phát triển công nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quan tâm giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến thủy sản và rau, quả; quan tâm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Chế biến gạo xuất khẩu

Qua 5 năm thực hiện Kết luận số 248-KL/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Kết luận số 248-KL/TU), tỉnh hoàn thành cơ bản các mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra. Để ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng đột phá, mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng GRDP theo Kết luận số 248-KL/TU, tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung khai thác những lợi thế cho phát triển ngành công nghiệp như: đầu tư cho hạ tầng công nghiệp, khuyến khích đối mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng hệ sinh thái DN công nghiệp, khuyến khích xuất khẩu và hội nhập quốc tế, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Từ đó, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP được nâng lên (tỷ trọng ngành công nghiệp ước đạt 16,29% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,99 điểm % so với giai đoạn 2016 - 2020), 7/11 chỉ tiêu (chiếm 63%) đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông sản (lúa gạo, cá tra, rau quả) phát triển cơ bản theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, đi vào chiều sâu, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực tăng trưởng tốt, giải quyết trên 70.000 lao động, tiêu thụ lượng lớn nguyên liệu nông sản của tỉnh, sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mang thương hiệu Đồng Tháp. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp (CCN) được quan tâm đầu tư, dần hoàn thiện, tỷ lệ lấp đầy bình quân của khu công nghiệp (KCN), CCN vượt mục tiêu đề ra.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn (nguồn vốn từ khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư, dạy nghề, môi trường, vốn tái cơ cấu nông nghiệp...) để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 (theo giá năm 2010) dự kiến đạt 87.600 tỷ đồng, tăng 21.426 tỷ đồng so với năm 2020.

Lợi thế kinh tế cửa khẩu của tỉnh được quan tâm, phát huy để góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu hàng hóa, phát triển công nghiệp khu vực biên giới. Đến nay, hạ tầng thương mại khu vực biên giới gồm có 2 siêu thị: Coopmart Hồng Ngự, Mini Go Hồng Ngự (tăng 1 siêu thị so với năm 2020), 31 chợ trong quy hoạch và 6 cửa hàng tiện lợi; điều chỉnh vị trí thành lập CCN An Hòa tại TP Hồng Ngự với diện tích 43ha, bổ sung vào quy hoạch 5 CCN với diện tích 298ha tại TP Hồng Ngự (2 CCN), huyện Hồng Ngự (1CCN) và huyện Tân Hồng (2 CCN)... Từ đó, thương mại biên giới được thúc đẩy phát triển và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa biên mậu giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 27%/năm, tăng 7 điểm% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn tỉnh hiện có 710 DN sản xuất công nghiệp (tăng 270 DN so với cuối năm 2020), trong đó, trọng tâm và chủ lực là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 91%. Phát huy tiềm năng thế mạnh là tỉnh nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến nông sản đã phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành công nghiệp.

Đến năm 2025, ước đạt quy mô 13.765 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8%/năm, trong đó sản phẩm giày da ước tăng trên 27%/năm; bánh phồng tôm, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự ước tăng trên 16%/năm; thuốc lá điếu có đầu lọc ước tăng trên 11%/năm; thủy sản chế biến ước tăng trên 10%/năm; thuốc viên các loại ước tăng gần 2%/năm; quần áo may sẵn ước tăng 0,8%/năm; thức ăn chăn nuôi tăng 0,2%. Tuy nhiên, một số ngành hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: sản lượng cát khai thác ước giảm 4%/năm; chế biến gạo ước giảm 4%/năm; bia giảm 2%/năm.

Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh được đẩy mạnh, các chính sách đầu tư được triển khai hiệu quả, hình ảnh và môi trường đầu tư tiếp tục được duy trì và phát triển nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Giai đoạn 2021 - 2025, ước thu hút được 110 dự án đầu tư (trong đó có 8 dự án FD1), riêng lĩnh vực công nghiệp là 22 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến (17 dự án mới và 5 dự án mở rộng; tăng 6 dự án so với giai đoạn 2016 - 2020) gồm các ngành chế biến thủy sản, chế biến nông sản, chế biến dầu các loại (dầu cá, dầu gạo), với công nghệ mới, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

Tỉnh tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh, tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp đến năm 2025 đạt ít nhất 20% trong GRDP của tỉnh, nâng tốc độ tăng trưởng lên 9,8%; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sớm đưa vào khai thác KCN Tân Kiều, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai các dự án KCN định hướng (KCN Hòa Tân, KCN Sông Hậu 2, KCN Cao Lãnh III); đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động CCN Quảng Khánh, CCN An Hòa, CCN Định An. Đồng thời tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Đề án phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030...

Nguồn: Báo Đồng Tháp