Để giúp cơ quan quản lý có đánh giá chính xác tác động môi trường, đưa ra các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính hiệu quả, các nhà khoa học ở Viện Khoa học, công nghệ Mỏ - Vinacomin đã hoàn thành kiểm kê khí nhà kính trong khai thác và chế biến than ở Việt Nam.
Thúc đẩy giảm phát thải
Khai thác và chế biến than ở Việt Nam là ngành quan trọng trong hoạt động sản xuất, cung cấp nguồn năng lượng truyền thống và cơ bản, đồng thời đảm bảo nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác của nền kinh tế. Đối với các quốc gia đang phát triển, than là nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý trong việc phát triển công nghiệp và giá than cũng ít biến động hơn giá dầu và khí đốt thiên nhiên. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn phát thải khí nhà kính tương đối lớn.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, lượng phát thải khí mê tan trong khai thác than không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ Ảnh: XLM
Việc kiểm kê khí nhà kính được thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Theo đó, các khí nhà kính phát thải trong quá trình khai thác và chế biến than bao gồm các khí mê-tan, CO2, N2O phát sinh từ các hoạt động đốt nhiên liệu và từ hoạt động phát tán trong các quá trình khai thác và sau khai thác.
TS Lê Bình Dương - Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Viancomin cho biết, qua tính toán, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khai thác và chế biến than năm 2020 là khoảng 2,038 triệu tấn CO2tđ, trong đó chủ yếu là phát thải CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu và phát thải khí mê-tan do phát tán từ khai thác hầm lò.
“Kết quả kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp ngành than đánh giá chính xác tác động đến môi trường và đưa ra các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính hiệu quả. Qua đó, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững, góp phần đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia”- TS Lê Bình Dương nhấn mạnh.
Đảm bảo phát triển bền vững
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (nay là Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 13/8/2024); Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.
Tổng lượng phát thải do khí mê-tan phát tán trong lĩnh vực khai thác than năm 2020 khoảng 3,5 triệu tấn CO2tđ. Ảnh: TKV
Theo đó, khai thác và chế biến than thuộc lĩnh vực năng lượng, là đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các cơ sở khai thác, chế biến than cần tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần từ năm 2024 và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025.
Như vậy, việc kiểm kê khí nhà kính trong khai thác và chế biến than là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính mà còn đảm bảo tuân thủ theo các quy định và luật pháp hiện hành.
Ngoài ra, kiểm kê khí nhà kính cũng giúp cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy về hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính hiện tại. Điều này là cần thiết để đánh giá hiệu quả của các chính sách và quy định hiện hành, điều chỉnh chúng nếu cần thiết để đạt được mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính đề ra.
Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thực hiện Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí mê-tan cho năm 2020 theo nhiệm vụ Đánh giá hiện trạng phát thải khí mê-tan cho năm 2020 và đề xuất kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.
Tổng lượng phát thải do khí mê-tan phát tán trong lĩnh vực khai thác than năm 2020 là khoảng 3,5 triệu tấn CO2tđ, trong đó 88% là từ quá trình khai thác và sau khai thác hầm lò (vận chuyển, lưu trữ, chế biến). Để thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 lượng phát thải khí mê-tan trong khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ và đến năm 2030 không vượt quá 2,0 triệu tấn CO2tđ.
“Để kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực khai thác và chế biến than tại Việt Nam, chúng tôi đã xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính gồm: Phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu và phát thải từ hoạt động phán tán trong quá trình khai thác và sau khai thác than”- TS Lê Bình Dương nhấn mạnh.
Đối tượng kiểm kê khí nhà kính trong khai thác và chế biến than bao gồm các khí: CH4, CO2, N2O đối với phát thải do đốt nhiên liệu và khí CH4, CO2 đối với phát thải do phân tán.
Về phương pháp kiểm kê, nhóm nghiên cứu thực hiện phương pháp được IPCC đưa ra gồm ba phương pháp tiếp cận (phù hợp với 3 cấp độ chính xác) khi thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia hoặc đối với một nguồn phát thải.
Kết quả, qua sử dụng các phương pháp tính toán theo đối tượng và phạm vi, nhóm các nhà khoa học tại Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin đã tính toán được tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khai thác và chế biến than năm 2020 là khoảng 2,038 triệu tấn CO2tđ, trong đó 63,5% lượng khí phát sinh từ đốt nhiên liệu và 36,5% lượng khí phát sinh do phát tán.