Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên thế giới, cơ khí chế tạo là ngành có lịch sử lâu đời, tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động, góp phần vào việc chuyển từ lao động cơ bắp sang lao động bằng máy móc, tăng năng suất lao động cho các ngành kinh tế, qua đó tạo điều kiện để tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng khối lượng sản phẩm, hàng hóa. Đây cũng là ngành công nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị, các yếu tố đầu vào cho mọi lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, công nghiệp cơ khí trên thế giới hiện nay đã có nhiều thay đổi so với ngành cơ khí truyền thống, được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điều khiển học, công nghiệp vật liệu mới... nhằm tăng năng lực sản xuất cũng như giá trị của sản phẩm, hàng hóa. Những tiến bộ công nghệ trong ngành cơ khí do đó sẽ trực tiếp thúc đẩy tiến bộ công nghệ chung của nền kinh tế, tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, với một quốc gia có tỷ lệ lao động nông nghiệp và dân cư nông thôn cao như ở Việt Nam, ngành cơ khí đóng vai trò quyết định trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thông qua quá trình cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp chế biến, từ đó góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nâng cao năng suất lao động quốc gia. Vì vậy, cơ khí chế tạo là ngành đóng vai trò nền tảng, then chốt cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ HÀNG ĐẦU TRONG NGÀNH CƠ KHÍ TẠI VIỆT NAM
Là một trong những thương hiệu uy tín trong ngành Công Thương, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần (VEAM) được thành lập từ năm 1990, nhằm góp phần đạt mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của VEAM, vốn nhà nước (do Bộ Công Thương là cơ quan đại diện vốn) nắm giữ tỷ lệ chi phối (88,47% - tương đương hơn 1,17 tỷ cổ phiếu). VEAM hiện đang hoạt động dựa trên 3 trụ cột là máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và ô tô.
Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành (1990-2025), VEAM đã từng bước góp phần hình thành và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành cơ khí trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Tổng Công ty đã rất nỗ lực triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất máy móc phục vụ cho nông nghiệp trong cả ba khâu làm đất, thu hoạch và bảo quản; cung cấp nhiều sản phẩm như máy cày, bừa, phay đất, máy gặt cỡ nhỏ, xay xát, bơm nước, bơm thuốc trừ sâu, cũng như một số thiết bị bảo quản sau thu hoạch, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh việc cung cấp thiết bị cho thị trường trong nước, Tổng Công ty cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các sản phẩm của VEAM được xuất khẩu tới trên 20 quốc gia trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hàng chục triệu USD.
TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG RỘNG LỚN TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
Với ngành cơ khí chế tạo, quy mô thị trường trong giai đoạn tới sẽ liên tục được mở rộng.
Những năm tới, Đảng và Nhà nước ta xác định việc đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột quan trọng cho việc phát triển nhanh và bền vững, hướng đến mục tiêu “tăng trưởng 2 con số”. Quốc hội khoá XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Luật Điện lực sửa đổi, quy định nhiều cơ chế, chính sách đột phá để các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, thiết bị chế tạo và dịch vụ trong nước tham gia các dự án lớn trong các ngành này. Đây là cơ hội thị trường rất lớn để các doanh nghiệp cơ khí nội địa – trong đó có VEAM – mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ nhằm tham gia cung ứng sản phẩm cho các dự án này.
Bên cạnh đó, với cơ cấu hơn 1/3 dân số là nông dân, nông nghiệp vẫn sẽ là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế nước ta. Yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Đảng, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Với nền tảng và thế mạnh sẵn có, VEAM sẽ có thêm nhiều cơ hội đối với thị trường cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp trong giai đoạn tới.
PHÁT HUY NĂNG LỰC SẢN XUẤT, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ MỚI
Hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn là chủ trương lớn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng ta. Trong giai đoạn tới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu “tăng trưởng 2 con số”, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đất nước vươn mình, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp lớn, trong đó những doanh nghiệp như VEAM phải đóng vai trò dẫn dắt trong chuỗi giá trị của ngành.
Để tiếp tục phát huy năng lực sản xuất, tận dụng hiệu quả tiềm năng thị trường, góp phần quan trọng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn tới, VEAM cần chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, chú trọng đầu tư vào khoa học và công nghệ, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây được xem là bước đột phá về chất đối với ngành công nghiệp nước ta, và cũng là kim chỉ nam cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp trong thời gian tới.
Do đó, VEAM cần đầu tư mạnh vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và giá thành phù hợp, từ đó mới có thể tận dụng được những cơ hội thị trường rất lớn sắp tới của ngành cơ khí, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành, từ đó vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô khu vực.
Thứ hai, có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với các cơ hội thị trường trong thời gian tới.
Như đã phân tích, thị trường của ngành cơ khí sẽ liên tục được mở rộng từ dư địa của các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Được biết, hiện nay, VEAM đang nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm cơ khí phục vụ cho ngành đường sắt như: hệ thống cấp điện có thay ray thứ 3 hoặc hệ thống cấp điện trên cao dùng điện một chiều đối với đường sắt đô thị; hệ thống cấp điện xoay chiều đối với đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao; phụ kiện đường ray; các cụm chi tiết... Với nền tảng này, VEAM cần chủ động tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, đa dạng hóa sản phẩm để có thể tham gia vào các dự án lớn, quan trọng của đất nước như dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị… Mặt khác, VEAM cũng cần phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, thiết bị phục vụ các dự án năng lượng quy mô lớn trong tương lai, bảo đảm yêu cầu nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước trong ngành điện lực quy định tại Luật Điện lực vừa ban hành.
Bên cạnh đó, với nền tảng đã được xây dựng vững chắc trong 35 năm qua, VEAM cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới; sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn phải định hướng gia tăng xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ ba, cần tăng cường các hoạt động mở rộng phạm vi thị trường của doanh nghiệp.
VEAM cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm thường niên, tìm kiếm, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước trên cơ sở định hướng phát triển của các đơn vị thành viên, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm mới để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm của mình.
Thứ tư, cần khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu VEAM để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại VEAM.
Đề án tái cơ cấu VEAM cần được triển khai với các mục tiêu: thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM nhưng đang hoạt động không hiệu quả và có ngành nghề hoạt động không tập trung vào định hướng phát triển của Tổng Công ty trong tương lai; Khắc phục sở hữu chéo giữa các đơn vị có vốn góp VEAM, tập trung nguồn lực vào các công ty có ngành nghề kinh doanh phù hợp với VEAM; Phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với tiềm năng của doanh nghiệp và cơ hội của thị trường, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.