[In trang]
Bệ phóng cho ngành công nghiệp phụ trợ
Chủ nhật, 04/05/2025 - 09:34
Với hàng chục dự án ở lĩnh vực công nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả, Huế được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Phân xưởng sản xuất ô tô của Công ty CP Kim Long Motor Huế hiện nay

Tiềm năng

Trong góp ý dự thảo Quy hoạch tỉnh (thành phố Huế hiện nay) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia cho rằng, hạ tầng giao thông chiến lược là một điểm cộng lớn cho TP. Huế khi có hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Hơn nữa, TP. Huế có nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn có thể tạo một nền tảng phát triển vững chắc cho ngành công nghiệp phụ trợ.

Tin vui cho ngành công nghiệp phụ trợ địa phương là sự kiện Công ty CP Kim Long Motor Huế khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế tại Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô cuối quý III/2024. Nhà máy này có tổng mức đầu tư 260 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung sản xuất, chế tạo các loại động cơ phục vụ ngành công nghiệp ô tô và dự kiến đi vào hoạt động vào đầu quý II/2025, với mức độ tự động hóa lên đến 90%. Sản phẩm của nhà máy đa dạng các dòng động cơ như sử dụng trong sản xuất ô tô, động cơ thủy, động cơ cho máy phát điện, động cơ dùng sản xuất nông nghiệp và động cơ cho các máy dùng trong sản xuất các công trình dân dụng…

Sự kiện đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế ra đời không chỉ là niềm tự hào của Huế mà còn của cả nước. Lần đầu tiên ở Việt Nam có doanh nghiệp sản xuất chế tạo động cơ ô tô hiện đại và động cơ cho các ngành công nghiệp khác, góp phần hiện thực hóa giấc mơ lâu nay của nhiều thế hệ người Việt. Quan trọng hơn, việc này còn góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, động cơ ô tô và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành cơ khí, chế tạo ô tô.

Với trữ lượng hơn 14.000ha cát nội đồng, tinh, sạch tại các xã Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa… (TX. Phong Điền) là điều kiện tốt để phát triển ngành công nghiệp silicat trong nước và xuất khẩu. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu và đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực này. Điển hình như mới đây có 2 nhà máy khởi công xây dựng, gồm: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza và Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương với vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sau 24 tháng, các nhà máy này sẽ đi vào sản xuất, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm mới từ cát để cung ứng cho ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenika Huế sản xuất chế biến, cung ứng vật liệu cho ngành silicat

Tạo bệ phóng lâu dài

Theo thống kê, đến nay, các KCN, KKT tại TP. Huế đã thu hút gần 30 DN tham gia sản xuất gia công cho ngành dệt - may, giày dép, bia, gương kính và thiết bị công nghiệp y tế… dựa trên nền tảng tài nguyên, dư địa thuận lợi của địa phương.

Dù vậy, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các DN đến TP. Huế nhiều nhưng trong số này không có nhiều DN lớn đầu tư, phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hoàn thiện chuỗi giá trị “All-in-one”, thực hiện chiến lược phát triển danh mục sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng.

TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Huế thông tin, hiện nay, ở địa phương có các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, như: Điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, silicat và dệt - may. Trong các nhóm ngành này, chỉ có ngành cơ khí chế tạo được kỳ vọng tăng trưởng khá vì có DN lớn là Công ty CP Kim Long Motor Huế, với công suất đạt khoảng 108.800 chiếc/năm. Mới đây, DN này còn khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất chế tạo động cơ ô tô, nên được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều DN nằm trong chuỗi cung ứng các linh kiện, phụ tùng ô tô, như: lốp, gương kính, dàn gầm… đến Huế. Các ngành còn lại, như dệt - may dù có nhiều DN ra đời từ thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng mức tăng trưởng chưa cao. Lý do là vì phần lớn hoạt động của các DN dệt - may chủ yếu là gia công, nguyên liệu và các linh kiện phụ trợ vẫn nhập từ nơi khác.

Các chuyên gia cho rằng, TP. Huế đang thiếu các dự án có hàm lượng công nghệ cao và DN dẫn đầu tầm cỡ khu vực để tạo hệ sinh thái phát triển bền vững, thu hút DN vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng. Để gỡ nút thắt này, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách, ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN triển khai dự án và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh. Đây cũng là “cú hích” không chỉ giúp TP. Huế đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình xuất khẩu khi rào cản thuế quan vào các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ đang tăng cao như hiện nay.

Nguồn: Huế ngày nay