[In trang]
Bộ Y tế thúc địa phương thanh tra thị trường thực phẩm
Chủ nhật, 04/05/2025 - 08:59
Bộ Y tế đề nghị địa phương siết kiểm tra, xử lý thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên thị trường, công khai vi phạm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Bộ Y tế vừa ban hành công văn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng nhằm ngăn chặn nguy cơ ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Động thái này được thực hiện sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại Công văn số 3565/VPCP-KGVX ngày 24/4/2025 về việc xử lý các vụ việc liên quan đến thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả và ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần tăng cường thanh, kiểm tra các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả - Ảnh minh họa

Theo đó, công văn do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố phải ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương; trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/1/2024 về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương được yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố/đăng ký bản công bố, thực phẩm kém chất lượng trên thị trường;

Đặc biệt, tăng cường giám sát tại các địa bàn trọng điểm như khu công nghiệp, trường học, khu du lịch, thức ăn đường phố, bếp ăn công nhân và học sinh.

Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn chế biến, bảo quản thực phẩm truyền thống đúng cách, đặc biệt tại những nơi thường xuyên tổ chức tiệc cưới, đám giỗ, liên hoan...

Nguồn: Thảo Nguyên - Báo Công Thương