Xây dựng nền tảng công nghiệp hỗ trợ tại Bến Tre
Thứ năm, 01/05/2025 - 10:13
Bến Tre đang từng bước chuyển mình, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như một trụ cột chiến lược nhằm nâng cao năng lực nội sinh và gia nhập chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.
Bến Tre đang từng bước chuyển mình, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như một trụ cột chiến lược nhằm nâng cao năng lực nội sinh và gia nhập chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.
Tính đến năm 2025, Bến Tre đã thu hút được 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực CNHT, với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 3.810 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện - điện tử, cơ khí chế tạo và sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ trọng giá trị sản xuất CNHT trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 8,3%, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021–2025 ước chỉ đạt 0,27%/năm.
Một trong những yếu tố quan trọng kìm hãm tăng trưởng CNHT trên địa bàn tỉnh là cơ cấu doanh nghiệp trong ngành thiếu chiều sâu. Phần lớn doanh nghiệp CNHT tại Bến Tre có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu làm gia công cho các công ty mẹ, thiếu khả năng đầu tư đổi mới công nghệ và thiết kế sản phẩm riêng biệt. Bên cạnh đó, hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất chưa được hoàn thiện, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nhân lực kỹ thuật cao và kết nối với các trung tâm nghiên cứu - phát triển.
Ngoài ra, chi phí đầu tư vào công nghệ cao cũng là một trở ngại lớn, khi việc áp dụng công nghệ tiên tiến như ISO/TS 16949 hay Lean Manufacturing vượt quá khả năng của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.

Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, Trà Vinh (Ảnh: Guland.vn)
Chiến lược phát triển giai đoạn 2025 - 2030
Dù gặp nhiều thách thức, Bến Tre vẫn sở hữu những yếu tố thuận lợi để phát triển CNHT. Vị trí địa lý chiến lược của tỉnh, nằm gần các trung tâm công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang, giúp Bến Tre dễ dàng kết nối với các chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến nông – thủy sản tại Bến Tre cũng là một nền tảng quan trọng để hình thành CNHT phục vụ chế biến sâu, đóng gói và cơ khí phụ trợ.
Hạ tầng công nghiệp của tỉnh cũng đang dần được cải thiện với các khu công nghiệp như Giao Long, An Hiệp và Phú Thuận đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, giúp nâng cao thuận lợi để đón các dự án CNHT quy mô trung bình và lớn trong thời gian tới.
Tận dụng những thế mạnh đó, Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy ngành CNHT. Một trong những chiến lược quan trọng là mời gọi đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các lĩnh vực còn thiếu như khuôn mẫu, chi tiết chính xác, linh kiện điện tử và phụ trợ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đổi mới công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ CNHT từ ngân sách tỉnh và các nguồn hợp tác quốc tế.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm tại địa phương (Ảnh: Báo Chính phủ)
Ngoài ra, Bến Tre sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật để xây dựng các chương trình đào tạo thợ lành nghề và kỹ sư công nghiệp đáp ứng nhu cầu của ngành. Tỉnh cũng sẽ đầu tư mở rộng quỹ đất sạch, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ logistics tại các khu công nghiệp hiện hữu, nhằm tăng khả năng tiếp nhận các dự án mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp.
Phát triển CNHT là một bài toán vừa cấp thiết vừa lâu dài đối với Bến Tre. Với định hướng chiến lược rõ ràng, chính sách hỗ trợ thiết thực và sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, tỉnh Bến Tre đang tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư CNHT, đồng thời góp phần nâng cao nội lực công nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tới, khẳng định vai trò là điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp hỗ trợ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cục Công nghiệp