Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi

Sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu phục hồi khi một số ngành công nghiệp tăng liên tiếp trong tháng 4 và 5 sau khi giảm sâu trong cả quý I/2023

Có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu đồng đều giữa các ngành

Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 5/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, một số ngành công nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu phục hồi khi tăng liên tiếp trong tháng 4 và 5 sau khi giảm sâu trong quý I/2023.

Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ
Một số ngành công nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu phục hồi khi tăng liên tiếp trong tháng 4 và 5 sau khi giảm sâu trong quý I/2023

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,12%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,43%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 10,69% và ngành khai khoáng giảm 0,32%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 16/24 ngành có IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) tăng so với tháng trước, 9/24 ngành có IIP tăng so với cùng kỳ.

Tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Hồng Phong, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Mặc dù có sự tăng trưởng trong một số ngành công nghiệp, nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và không ổn định.

5 tháng đầu năm, IIP ước giảm 2,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành gặp khó khăn và ghi nhận sự giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,76%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 15,60%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 12,23%; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa giảm 27,05%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,86%; sản xuất xe có động cơ giảm 48,10%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,00%.

Một số ngành có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc, thiết bị tăng 22,50%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 10,87%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 34,64%. Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 24,81%.

Sản lượng sản xuất một số sản phẩm: Tháng 5/2023, ngoài sản lượng thức ăn gia súc và doanh thu linh kiện điện tử tăng so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm chủ yếu còn lại đều giảm; trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm xe ô tô các loại với mức giảm 61,30%. Tính chung 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như thức ăn gia súc giảm 10,76%; giày thể thao tăng 15,6%; gạch ốp lát giảm 18,86%; xe ô tô các loại giảm 48,62%; xe máy các loại giảm 10,29% so với cùng kỳ, riêng doanh thu linh kiện điện tử tăng 18,87%.

Như vậy, “mặc dù có sự tăng trưởng trong một số ngành công nghiệp, nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và không ổn định. Điều này cho thấy sự phục hồi của ngành công nghiệp vẫn còn yếu và cần có những biện pháp và chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng và ổn định sản xuất trong tương lai” – Cục Thống kê Vĩnh Phúc thông tin.

4439-day-chuyyn-syn-xuyt
Tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị một số giải pháp gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô

Quyết tâm gỡ khó cho sản xuất công nghiệp

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn diễn ra vào đầu tháng 5/2023, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2023. Những khó khăn này bên cạnh nguyên nhân do hậu quả của dịch Covid-19, tình hình suy giảm kinh tế thế giới, còn do giá cả nhiều loại hàng hóa đầu vào tăng cao.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế cao (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP hơn 4 lần, cao gấp đôi bình quân cả nước), chịu tác động rất mạnh từ kinh tế thế giới, tác động đến tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh và thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hơn 30 hội nghị tháo gỡ các vướng mắc về các vấn đề đất đai, chính sách thuế, thủ tục đầu tư... quyết tâm cao độ trong chỉ đạo, điều hành.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, kiến nghị Quốc hội mở rộng các gói kích cầu, gia hạn các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, trong đó trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước. Gia hạn ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cần thiết để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP...

Nguồn: Báo Công Thương