Gửi câu hỏi

Hỏi: Tại Mục 3.1.1 QCVN: 01/2017/BCT ban hành kèm theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT quy định các hình thức công bố hợp quy: - Trường hợp tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất) theo Phương thức đánh giá phục vụ công bố hợp quy là phương thức 7 được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 28) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (Thông tư số 02). Theo nội dung trên thì công ty chúng tôi muốn làm tự công bố (bên thứ nhất) cho lô hàng nhập khẩu (có số vận đơn) thì số mẫu cần phải kiểm định (test) là bao nhiêu mẫu. Nếu được thì có thể lấy mức thấp nhất là 1 mẫu để test và gửi đi công bố Sở công thương HCM để khai online được không? Do tính chất hàng hóa là hàng thời trang nên mẫu mã và chủng loại sản phẩm, thành phần nguyên liệu đa dạng. Ngoài ra, theo cách thức tự công bố (bên thứ nhất) nên công ty chúng tôi đang nộp giấy tờ khi khai báo online trên website Sở công thương HCM như sau: 1. Bảng công bố hợp quy theo mẫu Thông tư 21: (Cty ký đóng dấu) 2. Báo cáo tự đánh giá hợp quy theo hướng dẫn của bên tổ chức test mẫu : (Cty ký đóng dấu ) 3. Kết quả thử nghiệm: Bên tổ chức test mẫu ký đóng dấu Do việc tại mục 1 và mục 2 bên công ty ký đóng dấu và chịu trách nhiệm nên trong trường hợp kết quả thử nghiệm tại mục 3 ( do bên tổ chức test mẫu ký đóng dấu ) chỉ có 1 mẫu thể hiện trên kết quả này. Nhưng bên sở công thương HCM đã duyệt và đăng tải về việc hoàn thành tiếp nhận công bố hợp quy sản phẩm dệt may. Vậy nên, sau này khi cơ quan quản lý thị trường và cơ quan liên ngành thanh kiểm tra thì bên công ty chúng tôi có chịu trách nhiệm gì liên quan đến việc test duy nhất 1 mẫu/ lô hàng nhập khẩu nhiều chủng loại mẫu và thành phần nguyên liệu? Kiểm tra liên ngành nếu có sai phạm, trách nhiệm thuộc về bên tổ chức test mẫu ký đóng dấu, hay doanh nghiệp chúng tôi. Và chịu trước pháp luật như thế nào? Nếu sai phạm như vậy, đối với các công bố đã upload lên Sở Công thương phê duyệt có được thừa nhận hay không? Hay chúng tôi phải bổ sung mẫu để test thêm sao cho phù hợp với quy định? Rất mong nhận sự tư vấn và giải đáp của ban tư vấn Bộ Công thương phản hồi để doanh nghiệp yên tâm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trả lời:

1. Về số lượng mẫu thử nghiệm:

1.1.Về mặt kỹ thuật:

- Các thuốc nhuộm có màu sắc khác nhau là do các phẩm màu azo khác nhau, nói một cách khác là do các amin thơm tạo ra các thuốc nhuộm là khác nhau (vì vậy đã quy định danh mục của 22 amin thơm);

- Các nguyên liệu khác nhau (vải, sợi) có khả năng hấp thụ màu khác nhau việc hấp thụ này phụ thuộc vào thành phần của nguyên liệu, kiểu dệt, do vậy khi nhuộm công thức nhuộm cũng khác nhau (tỷ lệ thuốc nhuộm, quy trìnhnhuộmkhác nhau);

- Thuốc nhuộm của các hãng hóa chất khác nhau có khả năng hấp phụ trên vật liệu khác nhau.

Để minh chứng điều này, xin lấy ví dụ: cùng là màu đen nhưng có sản phẩm không phôi màu ngay lần giặt đầu tiên,nhưng có những sản phẩm sau rất nhiều lần giặt vẫn phôi màu, thậm chí có sản phẩm còn thôi màu ngay trên da trong quá trình sử dụng.

1.2. Với các phân tích nêu trên cho thấy:

Kết quả thử nghiệm chỉ đúng đối với mẫu test (màu, loại chất liệu, kiểu dệt); kết quả thử nghiệm đó không thể đúng với tất cả các sản phẩm, thậm chí giữa từng “mẻ” nhuộm.

Về nguyên tắc, ứng với mỗi chất liệu, mỗi màu cần phải lấy 01 mẫu thử nghiệm. Để hạn chế số lượng mẫu thử, đòi hỏingười làm công tác đánh giá, lấy mẫu phải được đào tạo về lấy mẫu và có kiến thức chuyên môn về dệt may vì đây là một vấn đề mang tính chất chuyên môn chuyên sâu. Đối với việc hạn chế lấy mẫu thử, tổ chức đánh giá phải có hồ sơ phân tích về chất liệu, về màu sắc của các tổ chức sản xuất, phân tích thống kê, xác suất để có thể lên phương án lấy mẫu đại diện, tần suất đánh giá với từng màu và từng nguyên liệu.Nếu việc giảm lấy mẫu dẫn đến sai sót, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý vi phạm đối với tổ chức có sai phạm trong quá trình thực hiện.

2. Về việc xử lý sai phạm

2.1. Đơn vị chịu trách nhiệm

- Nếu sai phạm thuộc về mẫu đã được kiểm tra (thử nghiệm), đơn vị thử nghiệm (test) phải chịu trách nhiệm về sai phạm;

- Nếu sai phạm thuộc về mẫu chưa được kiểm tra (thử nghiệm), doanh nghiệp công bố hợp quy sản phẩm phải chịu trách nhiệm;

Công bố đã đưa lên trang mạng của Sở Công thương chỉ được thừa nhận đối với các trường hợp không vi phạm.

2.2. Quy định xử lý:

Quy định về xử lý sai phạm được quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với nộidung chi tiết được nêu tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóavà các văn bản pháp luật có liên quan.